Do đó, tìm kiếm giải pháp tháo gỡ, tăng cường tính minh bạch về đấu thầu mua sắm công sẽ góp phần cải thiện môi trường kinh doanh tại Việt Nam.
PHÓNG VIÊN: Nhiều ý kiến cho rằng, sau vụ án Công ty Việt Á nhiều cán bộ lo sợ khi mua sắm công, dẫn đến những hệ lụy như thiếu thuốc, vật tư y tế... Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?
Ông ĐẬU ANH TUẤN: Thực ra, tâm lý e sợ trách nhiệm trong đấu thầu mua sắm công sau những vụ việc vừa qua cũng có thể hiểu được. Nhưng, cá nhân tôi cho rằng, gốc rễ của việc đấu thầu mua sắm công vẫn là tính chuyên nghiệp và tính phi vụ lợi. Để thực hiện việc mua sắm công thường xuyên cần có những thiết chế, người cực kỳ am hiểu quy trình, thủ tục, pháp luật để quy trình này được tiến hành một cách tốt nhất. Điều quan trọng nữa là tính phi vụ lợi, nếu việc mua sắm công không cài cắm lợi ích cá nhân, không chung chi, “bôi trơn” thì chắc chắn sẽ không xảy ra những vụ việc đáng tiếc như vừa qua.
Những khó khăn thường gặp của doanh nghiệp khi tham gia đấu thầu mua sắm công hiện nay là gì?
Kết quả điều tra diện rộng hơn 1.100 doanh nghiệp có tham gia đấu thầu mua sắm công mà VCCI tiến hành thời gian qua cho thấy, các khó khăn nổi bật doanh nghiệp hay gặp phải khi tham gia đấu thầu là thời gian chuẩn bị (nộp) hồ sơ dự thầu quá ngắn (17%); tiếp đến thư mời thầu không công bố rộng rãi (15,9%), điều kiện thực hiện hợp đồng quá khó (15,1%). Bên cạnh đó, gần 14% doanh nghiệp cho rằng bên mời thầu đưa ra tiêu chuẩn về năng lực và kinh nghiệm cho nhà thầu khó bất thường, 11,4% doanh nghiệp nêu vấn đề các tiêu chí phụ đôi khi không thỏa đáng… Qua điều tra của chúng tôi, có tới 41,5% doanh nghiệp tham gia đấu thầu mua sắm công trong 2 năm qua gặp phải một trong các vấn đề nêu trên.
Ông đã từng nói đến sự chồng chéo giữa một số quy định của Luật Đấu thầu và các luật khác. Cụ thể đó là những vấn đề gì?
Hiện có sự chồng chéo và quy định chưa thống nhất về hợp đồng giữa Luật Đấu thầu và Luật Xây dựng. Chẳng hạn, Luật Đấu thầu quy định trường hợp điều chỉnh tiến độ thực hiện hợp đồng làm kéo dài tiến độ hoàn thành dự án thì phải báo cáo người có thẩm quyền xem xét, quyết định; trong khi Luật Xây dựng lại quy định khi điều chỉnh hợp đồng làm thay đổi mục tiêu đầu tư, thời gian thực hiện hợp đồng, làm vượt dự toán gói thầu xây dựng được duyệt thì phải được người quyết định đầu tư cho phép. Quy định không thống nhất giữa 2 luật đang gây nhiều vướng mắc khi thực hiện.
Hay, Luật Đấu thầu quy định hợp đồng trọn gói bắt buộc áp dụng đối với gói thầu xây lắp có giá không quá 20 tỷ đồng và gói thầu hàng hóa có giá không quá 10 tỷ đồng. Đây là quy định chưa phù hợp thực tiễn do một số gói thầu xây lắp, hàng hóa quy mô nhỏ nhưng không thể lường trước hết được thay đổi, bổ sung khối lượng trong quá trình thực hiện và việc phát sinh, bổ sung khối lượng công việc luôn xảy ra. Việc xác định các yếu tố rủi ro và dự phòng trượt giá ngay từ bước lập giá gói thầu để tính toán chi phí dự phòng cũng rất khó chính xác.
Sự xung đột giữa Luật Đấu thầu và Luật Đất đai cũng đang là vấn đề lớn. Đó là, Luật Đấu thầu và nghị định hướng dẫn quy định việc lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), dự án đầu tư có sử dụng đất như xây dựng nhà thương mại, công trình thương mại, dịch vụ công trình đa năng, tổ hợp đa năng cho mục đích kinh doanh, phải tiến hành đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư. Tuy nhiên, Luật Đất đai năm 2013 quy định đầu tư xây dựng nhà ở để bán hoặc cho thuê hoặc cho thuê mua; đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng để chuyển nhượng hoặc cho thuê… chỉ có chế định giao đất, cho thuê đất thông qua đấu giá quyền sử dụng đất mà không quy định trường hợp giao đất, cho thuê đất thông qua đấu thầu dự án có sử dụng đất.
Thời gian tới, Luật Đấu thầu sẽ được Quốc hội xem xét, sửa đổi. Ông có những kiến nghị sửa đổi những vấn đề gì?
Luật Đấu thầu sửa đổi cần quy định rõ hơn về các trường hợp áp dụng hình thức chỉ định thầu, đặc biệt là các trường hợp khẩn cấp như khắc phục thiên tai, dịch bệnh theo quy định của pháp luật về đấu thầu và pháp luật khác có liên quan; đảm bảo cho việc triển khai thực hiện đồng bộ với các quy định của pháp luật khác có liên quan (Luật Xây dựng, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công); giảm trần giá trị áp dụng chỉ định thầu về hạn mức tương đương với quy định của các tổ chức quốc tế và hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam vừa ký kết.
Bên cạnh đó, cần có sự giám sát của các bên độc lập như hiệp hội ngành nghề, báo chí vào quá trình đấu thầu… Chẳng hạn, đối với các gói thầu về y tế, bên giám sát có thể là đại diện từ hiệp hội các nhà sản xuất thuốc, hoặc đại diện của hiệp hội y tế. Thông tin về các gói thầu, đánh giá hồ sơ dự thầu và nhà thầu trúng thầu, hợp đồng… cần công khai kịp thời để báo chí, người dân và các tổ chức xã hội có thể tiếp cận và giám sát.
Cùng với đó là tiếp tục thực hiện thanh tra, kiểm tra, kiểm toán đối với cơ quan, tổ chức công mời thầu mua sắm, đầu thầu công, cơ quan quản lý nhà nước...
"Với đấu thầu mua sắm công, Luật Đấu thầu chưa quy định đầy đủ về quy trình kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm; chưa có quy định cụ thể về chế tài xử lý vi phạm đối với bên mời thầu, chủ đầu tư, người có thẩm quyền (là các bên quan trọng trong việc quyết định đến tính hiệu quả, minh bạch trong đấu thầu). Luật cũng chưa có quy định về chế tài xử lý đối với trường hợp các cơ quan có thẩm quyền buông lỏng việc kiểm tra, giám sát, giải quyết kiến nghị trong đấu thầu dẫn đến hiệu quả của việc thực hiện công tác kiểm tra, giám sát, giải quyết kiến nghị về đấu thầu trong thời gian qua chưa cao, chưa gắn được trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong hoạt động đấu thầu…" - Phó Tổng Thư ký VCCI Đậu Anh Tuấn |