Ngày 29-3, tại Hà Nội, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức hội nghị góp ý vào dự án Luật Tố cáo (sửa đổi).
Các ý kiến tại hội nghị đều cho rằng, dự án Luật Tố cáo (sửa đổi) cần quy định rõ cơ quan có thẩm quyền giải quyết tố cáo; quy định rõ cơ chế bảo vệ người tố cáo chống tham nhũng, tiêu cực; về quyền, nghĩa vụ của người tố cáo, người bị tố cáo; các hình thức tố cáo; việc phối hợp giữa các cơ quan trong đó có Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp trong công tác tiếp nhận và thông báo kết quả giải quyết tố cáo…
Trong đó vấn đề bảo vệ người tố cáo được quan tâm hơn cả. Ông Đỗ Duy Thường, Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Dân chủ - Pháp luật của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho rằng, trở ngại chính khiến người dân ngại tố cáo chính là vì sợ bị trù dập, bị trả thù. Chính vì vậy, dự án Luật Tố cáo (sửa đổi) cần quy định rõ cơ quan đứng ra bảo vệ người tố cáo, hình thức bảo vệ như thế nào để người dân đến đúng địa chỉ thực hiện quyền tố cáo.
Ông Phạm Hữu Nghị, Ủy viên Hội đồng tư vấn Dân chủ - Pháp luật cho rằng người được bảo vệ không chỉ là người tố cáo mà phải bao gồm cả những người thân thích của người tố cáo như vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người tố cáo. Việc bảo vệ người tố cáo cần tập trung vào các biện pháp bảo vệ thông tin, bảo vệ vị trí công tác, việc làm, bảo vệ tính mạng, sức khỏe, bảo vệ tài sản, danh dự, uy tín…để khuyến khích người dân thực hiện quyền tố cáo.
Về các hình thức tố cáo, các đại biểu đều thống nhất cho rằng nên mở rộng các hình thức tố cáo qua thư điện tử, đơn tố cáo, điện thoại, mạng xã hội để khích lệ người dân mạnh dạn tố cáo, góp phần xây dựng một nền công vụ trong sạch, một nền pháp luật nghiêm minh.
Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực cho biết, từ những ý kiến của các đại biểu, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam sẽ tập hợp gửi cơ quan soạn thảo, các cơ quan hữu quan tiếp thu, chỉnh lý hoàn thiện dự án Luật.
“Mục tiêu là nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, giải quyết khiếu nại, tố cáo, bảo đảm cụ thế hóa được quy định mới của Hiến pháp về quyền con người, quyền cơ bản của công dân, đảm bảo tính khả thi, thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật, khắc phục được những hạn chế, bất cập trong Luật tố cáo hiện hành”, ông Thực nói.
Dự kiến, Luật Tố cáo (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 5 vào tháng 5-2018.