Dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp vừa được cho ý kiến tại hội nghị đại biểu (ĐB) Quốc hội hoạt động chuyên trách sáng nay 27-3.
Sau khi tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện, dự thảo Luật có 7 chương với 86 điều. So với dự thảo Luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 6, dự thảo đã bổ sung 15 điều, bỏ 2 điều.
Phát biểu tại phiên họp, ĐB Nguyễn Thị Ngọc Xuân (Bình Dương) đồng ý với việc mở rộng huy động doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, mở rộng phạm vi động viên công nghiệp…, song lưu ý “những gì công nghiệp quốc phòng làm được thì an ninh không đầu tư và ngược lại, tránh không trùng lặp”. ĐB gợi ý nên tận dụng công nghiệp quốc phòng để sản xuất, sửa chữa vũ khí cho lực lượng an ninh và giao Chính phủ quy định cụ thể vấn đề này.
Ghi nhận dự thảo luật lần này đã tiếp thu tương đối đầy đủ, bổ sung nhiều cơ chế đặc thù quan trọng, ĐB Nguyễn Trường Giang (Đắk Nông) chỉ ra rằng dự thảo có một số nội dung chưa thật tường minh. Cần phân biệt và quy định rõ hơn về các hình thức giao nhiệm vụ, đặt hàng, lựa chọn nhà thầu trong luật này, do có tính chất đặc thù.
ĐB cũng lưu ý, dự thảo luật cần có quy định chuyển tiếp về trích lợi nhuận sau thuế, xử lý tài sản là kết quả nghiên cứu, đấu thầu dự án quốc phòng – an ninh có mức độ tuyệt mật (do các dự án trong lĩnh vực này có thời hạn thực hiện dài, pháp luật có sự thay đổi…
Trong khi đó, ĐB Mai Văn Hải (Thanh Hóa) bày tỏ quan tâm đến quy định về quỹ quốc phòng - an ninh. “Đây là quỹ đặc thù, rất khác với các quỹ tài chính ngoài ngân sách khác. Nhưng nguồn như thế nào thì phải có quy định rõ hơn, cụ thể là ngân sách cần có nguồn bổ sung cho quỹ này. Quy định về công khai minh bạch quỹ này cũng cần tính toán kỹ, có giới hạn nhất định”, ĐB nói.