Cần quản lý, giám sát chặt chẽ việc mua bán thuốc online

Tại cuộc tọa đàm đối thoại chính sách với chủ đề: “Mua bán thuốc online - Nên hay không?” do Truyền hình Quốc hội Việt Nam tổ chức ngày 15-11, các đại biểu đại diện cơ quan quản lý nhà nước và chuyên gia đã đề xuất cần sớm luật hóa và quản lý bán thuốc online, tránh tình trạng bán “chui”, dẫn đến hậu quả khó lường.

Cuộc tọa đàm diễn ra trong bối cảnh Luật Dược (sửa đổi) dự kiến sắp được Quốc hội thông qua, trong đó, có điểm mới là quy định về mua bán thuốc online (trực tuyến).

Theo các chuyên gia, hoạt động bán thuốc online tại Việt Nam bắt đầu có từ những năm 2017 - 2018 và ngày càng phát triển mạnh. Ước tính thị trường thuốc online Việt Nam tới năm 2024 đạt khoảng 5 - 8% thị phần bán thuốc và đang tăng trưởng không ngừng.

Tại cuộc tọa đàm, các đại biểu đều cho rằng, việc mua thuốc kê đơn qua mạng mang lại sự tiện lợi cho người tiêu dùng, đặc biệt là những người sống ở vùng sâu, vùng xa, nơi các hiệu thuốc không phải lúc nào cũng có sẵn thuốc.

Thay vì phải đến tận nơi khám bệnh và mua thuốc, người bệnh có thể đặt hàng trực tuyến một cách nhanh chóng, tiết kiệm thời gian và công sức. Khi người dân có thể mua thuốc kê đơn qua mạng, số lượng bệnh nhân đến trực tiếp các bệnh viện và phòng khám có thể giảm bớt, góp phần giảm tải cho hệ thống y tế và tránh lây nhiễm chéo.

toa dam.JPG
Tọa đàm chủ đề: “Mua bán thuốc online - Nên hay không?”

Điều này đặc biệt quan trọng trong các trường hợp bệnh lý mạn tính, khi bệnh nhân chỉ cần tái khám để lấy thuốc, không cần phải khám lại. Bên cạnh đó, việc mua thuốc online có thể giúp người dân tiết kiệm chi phí vận chuyển và chi phí khám bệnh. Các cửa hàng thuốc trực tuyến thường có giá cả cạnh tranh hơn do giảm thiểu chi phí thuê mặt bằng, nhân viên và các chi phí phụ trợ khác...

Tuy nhiên, bà Trần Thị Nhị Hà, Phó trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, việc bán thuốc kê đơn qua mạng cần được quản lý chặt chẽ, giúp người tiêu dùng tiếp cận các loại thuốc chất lượng từ các nguồn đáng tin cậy, dễ dàng tra cứu thông tin về thuốc và các đánh giá của người dùng khác trước khi quyết định mua.

Đồng thời, cần phân biệt rõ ràng giữa việc bán thuốc online có kiểm soát và các hoạt động livestream bán thuốc tự phát của các cá nhân trên các nền tảng mạng xã hội. Do đó, việc luật hóa và quản lý bán thuốc online cần triển khai ngay, tránh tình trạng bán “chui”, khó nắm bắt, khó phát hiện.

Bà Lê Thị Hà, Trưởng Phòng Quản lý hoạt động thương mại điện tử (Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số - Bộ Công thương) cho rằng, thương mại điện tử chính quy vận hành bởi các công ty đã được cấp phép nên được tạo điều kiện phát triển và toa thuốc điện tử là cơ sở thuận lợi cho thương mại điện tử được phát triển đúng. Khám chữa bệnh trực tuyến được khuyến khích thì dược phẩm cũng nên được bán trực tuyến. Tuy nhiên, việc kiểm soát các công ty, sàn giao dịch thương mại điện tử có trụ sở ở nước ngoài rất khó khăn, cần có thêm cơ chế, chế tài để quản lý.

Tại cuộc tọa đàm, các đại biểu đều thống nhất cho rằng, việc bán thuốc online cần mở rộng theo hướng, cho phép bán lẻ thuốc không kê đơn và thuốc kê đơn trên hệ thống kê đơn thuốc điện tử quốc gia của Bộ Y tế. Hệ thống này có đầy đủ mã cơ sở khám chữa bệnh, mã bác sĩ, mã đơn thuốc, được liên thông, có thể triển khai việc mua bán thuốc trên sàn thương mại điện tử một cách hợp lệ.

Đồng thời, các diễn giả cũng nhấn mạnh cần phải giám sát chặt chẽ việc mua bán thuốc theo hình thức thương mại điện tử, cùng với việc đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân về việc mua thuốc theo đơn của bác sĩ. Trong thời gian tới, Chính phủ cần ban hành hoặc sửa đổi bổ sung các chế tài xử phạt đủ để cơ sở khám chữa bệnh và bán thuốc phải thực hiện theo quy định.

Tin cùng chuyên mục