Nghị quyết số 31-NQ/TW của Bộ Chính trị “về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TPHCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” xác định mục tiêu xây dựng TPHCM trở thành hạt nhân tăng trưởng của vùng Đông Nam bộ và cả nước.
Để phát triển TPHCM xứng tầm là địa phương hạt nhân của cả vùng Đông Nam bộ và cực tăng trưởng của cả nước trong bối cảnh mới, PGS-TS Trần Thọ Quang, Vụ trưởng, Trưởng Cơ quan Thường trực miền Trung - Tây Nguyên (Tạp chí Cộng sản) cho biết, thời gian tới, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân toàn thành phố phải cùng chung sức, đồng lòng vượt qua những khó khăn, rào cản, triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp đột phá, khoa học, từng bước kiến tạo sự phát triển bền vững.
Với vai trò đầu tàu, TPHCM có tác động mạnh mẽ đối với sự phát triển kinh tế của vùng kinh tế trọng điểm ở phía Nam, ở các tỉnh lân cận như Long An, Tiền Giang, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Phước… tận dụng các lợi thế “địa kinh tế” do tiếp giáp với thành phố để thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Theo PGS-TS Trần Thọ Quang, để xây dựng và phát triển thành phố văn minh, hiện đại cần đẩy mạnh hơn nữa tiến độ giải ngân vốn đầu tư công để sớm đưa các công trình, dự án mang tính kết nối vùng, có tác động lan tỏa cao, như dự án Metro số 1, Metro số 2, Vành đai 3, nhà ga T3, cao tốc TPHCM - Mộc Bài...
Song song đó, các nhóm giải pháp kích cầu tiêu dùng nội địa, phát triển công nghiệp hỗ trợ; thúc đẩy những ngành công nghiệp mũi nhọn phù hợp với tình hình mới; ứng dụng công nghệ thông tin…
Bên cạnh đó, thành phố đổi mới tư duy, phương pháp lập quy hoạch; tích cực rà soát, nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch chung thành phố gắn với quy hoạch vùng và triển khai các quy hoạch phân khu. Tập trung xây dựng thành phố trở thành trung tâm dịch vụ lớn của cả nước và khu vực với các ngành dịch vụ cao cấp, hiện đại để sớm xây dựng thành công Trung tâm Tài chính quốc tế TPHCM. Đặc biệt, ưu tiên, khuyến khích phát triển công nghiệp xanh, mô hình các khu công nghiệp sinh thái và bất động sản công nghiệp đáp ứng tiêu chuẩn bền vững, thân thiện với môi trường, giảm phát thải khí nhà kính.
Vấn đề liên kết về thông tin, truyền thông cần được nghiên cứu thấu đáo để có những cách thức nắm bắt thông tin của từng địa phương, giữa các địa phương với nhau một cách hiệu quả.
ThS Nguyễn Minh Hải, Trưởng phòng Báo chí - Xuất bản (Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM) cho hay, cần đặt liên kết truyền thông trong tổng thể liên kết vùng và là một phần không thể thiếu của liên kết vùng. Tiếp theo đó, cần xác lập chiến lược, cơ chế phối hợp truyền thông giữa các địa phương trong vùng TPHCM. Trong việc liên kết vùng, vấn đề liên kết về thông tin, truyền thông cần được nghiên cứu một cách toàn diện để có giải pháp phù hợp.
Trong bối cảnh thông tin ngày càng phát huy vai trò và sức mạnh của địa phương trên tất cả các lĩnh vực, việc phối hợp thông tin để thúc đẩy sự phát triển chung của cả vùng phải được tất cả các địa phương chú trọng. TPHCM phải luôn phát huy tính tích cực, chủ động, gợi mở cho cả vùng và cho các địa phương khác, trên tất cả các lĩnh vực, trong đó có vấn đề thông tin và truyền thông, nhằm tạo điều kiện để thành phố trở thành đầu tàu cho sự phát triển ổn định và bền vững của cả vùng.