Khi con tôi lên cấp 2, sau ngày sinh hoạt lớp về, con tôi thông báo giáo viên yêu cầu phải có Messenger để cô tạo nhóm tiện trao đổi, thông tin bài vở và tình hình lớp học. Do chưa muốn con sử dụng MXH sớm, tôi trao đổi lại với giáo viên thì được trả lời, nếu con không có Messenger thì sẽ thiệt thòi hơn các bạn, vì nắm tình hình học tập trễ. Thế là tôi đành để con tạo Facebook riêng để có Messenger liên hệ với cô, với lớp.
Bên cạnh đó, giáo viên bộ môn tạo nhóm trên Zalo để trao đổi bài cùng học sinh. Con tôi lại phải có số điện thoại riêng để tạo Zalo. Đương nhiên, gia đình phải sắm điện thoại riêng cho con tham gia vào nhóm học tập trên các MXH đó.
Nhưng từ khi có các trang MXH riêng và điện thoại riêng, con tôi cầm điện thoại nhiều hơn, khi được hỏi thì con nói đang trao đổi bài trên nhóm lớp. Sự việc trở nên căng thẳng khi tôi phát hiện cô con gái 13 tuổi có các nhóm trò chuyện riêng, nhiều bạn trong nhóm con chưa từng quen hay biết mặt ngoài đời. Còn cậu con trai 12 tuổi thì thường xuyên dùng điện thoại để chơi game.
Không thể phủ nhận những tiện ích mà MXH mang lại cho học sinh, giáo viên. Nhưng đa phần trẻ chưa được hướng dẫn kỹ năng sử dụng MXH nên dễ bị lôi kéo, dẫn đến các tình huống không mong muốn. Trong khi đó, qua tìm hiểu, tôi biết một số trường học đã và đang phát triển ứng dụng học tập trực tuyến hiệu quả. Trên hệ thống này, trẻ không thể vừa học vừa chơi game hay trao đổi riêng cùng bạn bè như trên các nhóm MXH.
Thiết nghĩ, nên có các ứng dụng học trực tuyến hiệu quả, trên đó có phần kết nối nhóm lớp, có phần báo bài, thời khóa biểu học tập, phần kết nối phụ huynh… và tính năng khen thưởng những hành vi tích cực trong học tập (như tạo huy hiệu). Lựa chọn cài đặt chương trình này trên máy tính/điện thoại cho con, phụ huynh sẽ dễ dàng kiểm soát trẻ trong quá trình học online. Đặc biệt, các ứng dụng đó sẽ không tạo thêm cơ hội cho con trẻ vào MXH, không chỉ hạn chế con trẻ bị lôi kéo vào các game, nhóm trò chuyện mà còn giúp trẻ tập trung, có thêm động lực hơn trong học tập.