Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn cho biết, sau 10 năm thực hiện chiến lược, đến nay công tác quản lý nhà nước về thanh niên đã cơ bản khắc phục được tình trạng chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ với tổ chức đoàn thanh niên hoặc “khoán trắng” cho tổ chức đoàn thanh niên so với giai đoạn đầu thực hiện chiến lược.
Về Đề án 567, giai đoạn 2014-2020 đã bồi dưỡng cho 14.330 cán bộ, công chức trẻ của 2.293 xã thuộc 42 tỉnh với tổng kinh phí triển khai thực hiện gần 29,8 tỷ đồng.
Với Đề án 500, sau 5 năm về xã công tác, tham mưu, 500 đội viên đã đề xuất xây dựng, triển khai các đề án phát triển kinh tế - xã hội, góp phần xóa bỏ những hủ tục lạc hậu, xây dựng đời sống văn hóa mới cho bà con nhân dân.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đánh giá cao kết quả thực hiện các chiến lược, đề án liên quan đến thanh niên, đến đội ngũ trí thức trẻ tình nguyện.
Phó Thủ tướng đề nghị xây dựng Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn 2021-2030 để trình Thủ tướng Chính phủ ban hành, trong đó, chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ thanh niên, đáp ứng yêu cầu đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học - công nghệ cao, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế.
Đồng thời các bộ, ngành, địa phương tiếp tục nghiên cứu, triển khai có hiệu quả việc thu hút trí thức trẻ tham gia phát triển kinh tế - xã hội ở các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; tiếp tục triển khai Đề án 567 và Đề án 500 trong giai đoạn mới.
Đối với những địa phương đã có phương án bố trí, sử dụng đội viên, Bộ Nội vụ chịu trách nhiệm đôn đốc, theo dõi việc thực hiện. Những địa phương chưa có phương án bố trí, sử dụng đội viên, Bộ Nội vụ đề xuất Chính phủ phương án cụ thể.
Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình nhấn mạnh, thời gian tới cần có những chính sách căn cơ, lâu dài để phát triển toàn diện thanh niên - nguồn nhân lực quan trọng, yếu tố quyết định thành công của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất.