Cho ý kiến đối với báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, dự kiến kế hoạch năm 2025 trong khuôn khổ phiên họp thứ 38, sáng 9-10, nhiều ý kiến tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đánh giá cao Chính phủ, chính quyền các cấp đã triển khai quyết liệt nhiều nhiệm vụ giải pháp, nhờ đó kinh tế - xã hội năm 2024 đạt nhiều kết quả.
Tuy nhiên, Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường thẳng thắn nhận định, cần “đánh giá thực chất, không bôi đen cũng không tô hồng. Dường như báo cáo này màu hồng hơi nhiều”. Dẫn chứng, ông Cường nói, báo cáo (bản đầy đủ) dành tới 49 trang nói về thành tựu, kết quả, nhưng chỉ dành 5 trang nói về hạn chế. Trong khi, khó khăn hiện nay, nhất là khó khăn của doanh nghiệp, cần được phân tích, đánh giá cụ thể hơn.
Bày tỏ quan tâm đến thị trường vàng trong nước, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đề nghị Chính phủ tiếp tục siết chặt quản lý, để bảo đảm thị trường trong nước và quốc tế tiệm cận nhau.
Đồng tình với nhận định trong báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, cho rằng, thị trường bất động sản diễn biến rất phức tạp, giá nhà chung cư tăng rất cao, người có nhu cầu khó tiếp cận được với thị trường bất động sản. Các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản còn chậm được ban hành, nhất là văn bản của địa phương.
Trong lĩnh vực xã hội, Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thanh Hải nhấn mạnh, vấn đề người dân hết sức quan tâm và cũng ảnh hưởng đến nhiều hộ gia đình là tình trạng lạm thu đầu năm học. “Đây là bệnh cũ nhưng cần phương pháp điều trị mới”, bà Hải bình luận. Về sách giáo khoa, Trưởng ban Công tác đại biểu đề xuất, lập tủ sách giáo khoa ở thư viện trường, giúp tiết kiệm chi phí cho các em học sinh
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải ủng hộ đề nghị thiết thực này. Cũng trong lĩnh vực xã hội, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh đề nghị Chính phủ tập trung đánh giá kỹ hơn tác động của bão số 3, nhất là đối với các hộ nghèo.
“Tình hình thế giới sắp tới cũng không thuận lợi, có nguy cơ xảy ra khủng hoảng năng lượng, lương thực”, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định lo lắng. Ông cũng bày tỏ sự sốt ruột vì tiến độ giải ngân đầu tư công khá chậm, địa phương thấp hơn trung ương, có địa phương chỉ giải ngân được dưới 10%... Theo ông, có nhiều mặt vẫn chưa phục hồi bằng thời kỳ trước khi xảy ra đại dịch Covid-19...
Trước đó, tại báo cáo thẩm tra, Ủy ban Kinh tế và các cơ quan của Quốc hội cũng lưu ý, thị trường lao động còn tiềm ẩn rủi ro; tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức vẫn chiếm tỷ trọng lớn; tình trạng thiếu thuốc vẫn tiếp diễn; tình trạng quảng cáo, bán thực phẩm như thuốc chữa bệnh, thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc xuất xứ trên mạng internet chưa có giải pháp xử lý triệt để, gây bức xúc trong xã hội và ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân.