Trong tuần tới, Bộ GD-ĐT sẽ công bố chương trình môn học để lấy ý kiến toàn xã hội. Hiện tại, thông tin về dự thảo chương trình các môn học đã được các chủ biên bật mí.
Đáng chú ý, với môn Ngữ văn, GS Nguyễn Minh Thuyết cho biết trong chương trình GDPT mới sẽ chú trọng hình thành phương pháp đọc hiểu, cách tạo lập văn bản, thực hành, vận dụng nhiều kiểu loại văn bản khác nhau, cách trình bày, nhằm phát triển năng lực giao tiếp, năng lực thẩm mỹ của người học. Môn Ngữ văn trong chương trình mới sẽ chỉ có gồm 6 tác phẩm văn học bắt buộc (Bài thơ Thần, Hịch tướng sĩ, Bình Ngô đại cáo, Truyện Kiều, Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc và Tuyên ngôn Độc lập).
Trong khi đó, môn Giáo dục công dân (ở tiểu học gọi là môn Đạo đức, ở THCS là môn Giáo dục công dân, ở THPT là môn Giáo dục kinh tế và pháp luật) được cho là giữ vai trò chủ đạo trong việc giúp học sinh hình thành, phát triển phẩm chất và năng lực của người công dân trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và hội nhập quốc tế.
Ở giai đoạn giáo dục cơ bản (tiểu học và THCS), đây là môn học bắt buộc. Ở bậc học THPT, môn Giáo dục kinh tế và pháp luật là môn học được lựa chọn theo nguyện vọng và định hướng nghề nghiệp của người học.
Với môn Lịch sử và Địa lý, ở tiểu học và THCS là môn học bắt buộc. Về môn Toán, ở từng cấp học cũng dành nhiều thời gian cho các hoạt động trải nghiệm toán học như thực hiện đề tài, dự án học tập về ứng dụng toán học trong thực tiễn, tổ chức các trò chơi toán học…
Tương tự, môn Vật lý tích hợp ở giai đoạn giáo dục cơ bản phân hóa ở THPT; chú ý thích đáng đến việc phát triển năng lực thông qua thực hành. Môn Sinh học vừa phản ánh các thuộc tính cơ bản của tổ chức sống trên cơ sở sinh học cấp độ vi mô (phân tử, tế bào) và cấp độ vĩ mô (hệ sinh thái, sinh quyển); vừa giới thiệu các nguyên lý công nghệ ứng dụng sinh học, nhằm định hướng cho học sinh lựa chọn ngành nghề thuộc lĩnh vực công nghệ của thế kỷ XXI - thế kỷ của công nghệ sinh học và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Đặc biệt, có thông tin đáng chú ý là trong chương trình GDPT mới, lần đầu tiên âm nhạc được dạy học ở trường THPT và lần đầu tiên nội dung nhạc cụ và hợp xướng được đưa vào chương trình. Một trong mục tiêu của môn Âm nhạc mà Bộ GD-ĐT đặt ra là học sinh biết vận dụng kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm âm nhạc vào thực tiễn; ứng tác và biến tấu, đưa ra những ý tưởng hoặc sản phẩm âm nhạc hay, độc đáo; hiểu và sử dụng âm nhạc trong các mối quan hệ với lịch sử, văn hóa và các loại hình nghệ thuật khác…
Dự thảo chương trình từng môn học đưa ra có nhiều nét mới so với chương trình hiện hành. Do đó rất cần sự phản biện, góp ý sâu sắc của các nhà khoa học, nhà giáo dục, các thầy cô giáo, học sinh cũng như toàn xã hội để có một chương trình môn học thực sự hiệu quả đối với mục tiêu phát triển năng lực học sinh, để việc đổi mới GDPT lần này tạo được chuyển biến tích cực nhất về chất lượng giáo dục, không để giáo dục Việt Nam tụt hậu quá xa so với giáo dục thế giới.