Cần nhiều hơn sách về địa chí

Ngoài những địa phương, vùng đất quen thuộc, thời gian gần đây, một số đơn vị xuất bản đã mang đến nhiều ấn phẩm khai thác về địa lý, lịch sử, phong tục, con người… của nhiều địa phương khác trên cả nước. Đây được xem như một cách đáp ứng nhu cầu tìm hiểu và khám phá của bạn đọc hiện nay.
Một số ấn phẩm đã được xuất bản trong Tủ sách Văn hóa Việt do Chibooks thực hiện.Ảnh: PHƯƠNG THẢO
Một số ấn phẩm đã được xuất bản trong Tủ sách Văn hóa Việt do Chibooks thực hiện.Ảnh: PHƯƠNG THẢO

Một tấm lòng vì quê nhà

Sau loạt sách Sài Gòn - Chuyện đời của phố hay những ấn phẩm khai thác đề tài về Sài Gòn - TPHCM, nhà báo Phạm Công Luận vừa ra mắt ấn phẩm Hồi ức Phú Nhuận (Phương Nam Book và NXB Thế giới). Trước đó, nhiều ấn phẩm của các tác giả trong nước, cũng như của nước ngoài đã được giới thiệu đến bạn đọc như: Xứ trầm hương (Quách Tấn), Nghệ An ký (Bùi Dương Lịch), An Tĩnh xưa (Hippolyte Le Breton), Đà Nẵng ngày tháng cũ và những câu chuyện miền Nam giai đoạn 1954-1975 (Võ Hà), An Giang núi rộng sông dài (Vĩnh Thông), Vũng Tàu - Phố biển miền Đông (Khôi Vũ), Ai về Đồng Nai (Khôi Vũ)... Đặc biệt, nhiều tác giả cũng đã khẳng định tên tuổi với dòng sách địa chí. Ngoài nhà báo Phạm Công Luận gắn liền với Sài Gòn - TPHCM, nhà văn Nguyễn Vĩnh Nguyên được chú ý với loạt ấn phẩm về Đà Lạt, nhà văn Đỗ Phấn và nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến là những người có tình cảm và am hiểu sâu về Hà Nội…

Sau 2 năm ra mắt, Tủ sách Văn hóa Việt của Công ty Chibooks chuyên thực hiện dòng sách giới thiệu các vùng đất và đến nay đã thực hiện được 9 tác phẩm, gắn liền với các địa phương như Hà Nội, Nha Trang, TPHCM, Huế, Quảng Nam, An Giang. Hiện tủ sách đang chuẩn bị ra mắt các tựa sách mới: Huế chuyện xưa thành cũ (Phi Tân), Vị quê thương nhớ (Lê Hà)... Đánh giá về những tác phẩm trên, nhà thơ Lê Minh Quốc cho rằng, một khi đã yêu vùng đất nơi mình “chôn nhau cắt rốn”, tự lòng của mỗi người nếu có tâm thì luôn ghi nhớ mình phải làm một điều gì đó. Và với những người giàu chữ nghĩa, họ đã viết bằng tất cả niềm say mê và dạt dào cảm hứng.

“Không phải bây giờ mà trước đây đã xuất hiện dòng sách mà chúng ta gọi là “dòng sách địa chí”. Xu thế này đã phản ánh tâm thức, bao giờ con người ta cũng muốn thể hiện tấm lòng về nơi chốn cưu mang mình từng ngày khôn lớn đến lúc trưởng thành. Có nhiều cách để “trả ơn” vùng đất “của mình” thì viết cũng là một cách”, nhà thơ Lê Minh Quốc bày tỏ.

Xu hướng giá trị và tích cực

Theo bà Nguyễn Lệ Chi, Giám đốc Chibooks, nhu cầu tìm hiểu về văn hóa, lịch sử, địa lý, con người, lối sống... của từng vùng địa phương là nhu cầu tất yếu của độc giả Việt, bao gồm cả những người đang sinh sống tại vùng đất đó, hoặc đang sống ở nơi khác. Thậm chí, rất nhiều bạn đọc nước ngoài cũng tìm đọc dòng sách này để hiểu thêm về văn hóa bản địa Việt Nam. Vì vậy, đây là xu hướng làm sách giá trị và mang nhiều ý nghĩa tích cực.

Trong các cuộc giao lưu về sách, không ít lần nhà báo Dương Thành Truyền khuyến khích mọi người mạnh dạn cầm bút và viết nên những suy nghĩ, cảm xúc về cuộc sống, đặc biệt là về vùng đất mà mình sinh ra và lớn lên. Ông cho rằng, lịch sử không chỉ là câu chuyện về những biến cố của một quốc gia, của một thành tựu văn hóa, hay một sự kiện chính trị, mà những trải nghiệm cá nhân về quá khứ cũng là lịch sử.

Nhà báo Dương Thành Truyền lý giải: “Ở nhiều quốc gia, địa phương chí được xem là một nhánh của khoa học lịch sử. Cho nên, việc chúng ta kể lại, ghi lại như là trải nghiệm của cá nhân mình thì đến một thời điểm nào đó lại trở thành lịch sử. Và khi đó, những ghi chép ấy lại rất có giá trị, bởi vì mỗi gia đình, mỗi vùng đất như vậy đều có thể mang chứa trong mình những giá trị quý báu. Khi câu chuyện của mỗi người may mắn được in thành sách, sẽ là nguồn tư liệu hữu ích cho thế hệ sau”.

Cùng quan điểm, nhà thơ Lê Minh Quốc cũng cho rằng, lịch sử là số phận của cả một dân tộc, chứ không riêng một cá nhân, một vùng đất nào, mà tất cả đều gắn bó trong quan hệ biện chứng, không thể tách rời. Theo ông, sống trong một đất nước, có những sự kiện ghi dấu mốc của dân tộc thì bao giờ cũng tác động sâu sắc đến mọi vùng miền trong cả nước. “Thế nhưng biểu hiện diễn ra sự kiện ấy lại khác nhau, tùy vào mỗi vùng đất cụ thể. Vậy, khi đọc dòng sách này, bạn đọc sẽ vô cùng thích thú khi có dịp biết thêm, biết rõ hơn nữa về sự kiện ấy/vấn đề ấy một cách sâu sắc hơn, đa chiều hơn, bởi đã có những trang viết từ vùng đất khác bổ sung cho vùng đất của mình”, nhà thơ Lê Minh Quốc.

“Từ những gì hiện nay đã có của dòng sách địa chí nói chung, tôi cho rằng sức sống của thể loại này luôn bền bỉ, và ngày càng có thêm nhiều tập sách tương tự. Bởi một điều căn bản là ai cũng yêu vùng đất gắn bó với mình, thậm chí dù đó không phải là nơi chôn nhau cắt rốn”, nhà thơ Lê Minh Quốc chia sẻ.

Tin cùng chuyên mục