Cần nhiều hơn nữa các bài viết mang tính phản biện

Nhân dịp kỷ niệm 92 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21-6-1925 - 21-6-2017), bên cạnh những lời chúc ân cần Báo SGGP cũng đã nhận được nhiều mail của bạn đọc ghi nhận, góp ý với hoạt động báo chí và những người làm báo.
Quà của bạn đọc Báo SGGP ủng hộ được chuyển đến bộ đội trên đảo Sinh Tồn Đông (trong quần đảo Trường Sa) Ảnh: MINH THANH
Quà của bạn đọc Báo SGGP ủng hộ được chuyển đến bộ đội trên đảo Sinh Tồn Đông (trong quần đảo Trường Sa) Ảnh: MINH THANH
Xin trích giới thiệu một số ý kiến bạn đọc: 
Làm báo như “làm dâu trăm họ”

Ngày nào, tôi cũng đọc báo, hết đọc báo giấy lại đọc báo mạng và xem các chương trình thời sự của một số đài truyền hình. Qua đọc báo, xem đài, tôi thấy những người làm báo thực sự là chiến sĩ trên mặt trận văn hóa tư tưởng, cần mẫn cung cấp thông tin, góp phần nâng cao đời sống tinh thần và nhận thức chính trị của người dân. Tôi nghĩ nghề làm báo cũng như “làm dâu trăm họ”, nội dung, hình thức của tờ báo có thể phù hợp thị hiếu của người này nhưng lại không vừa ý người kia, do vậy những người báo luôn phải tự học hỏi, sáng tạo và tự đổi mới trong công việc. 

Tôi ghi nhận Báo SGGP quan tâm tham gia đưa các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước vào cuộc sống, vận động người dân thực thi pháp luật và thông tin chính xác, có trách nhiệm về các lĩnh vực của đời sống. Mong có thêm nhiều bài báo nói lên tiếng nói của người dân, nhất là những ý kiến mang tính phản biện, xây dựng, góp ý để các sở ngành và địa phương quản lý, điều hành khoa học và hợp lòng dân. Nên dồn sức có những thông tin thời sự chính trị, kinh tế, xã hội nhanh nhất. Mong những người làm báo góp phần xứng đáng vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thân yêu của chúng ta.
NGỌC BÍCH  (quận 1, TPHCM)
Cần lắm cái tâm của người làm báo

Tin bài của các nhà báo cả nước đã góp phần mang đến cho bạn đọc cái nhìn toàn diện, đa chiều trên nhiều lĩnh vực, ở khắp các vùng miền của Tổ quốc, là tiếng nói ngợi ca cái thiện, là sự dũng cảm đấu tranh chống lại cái ác, cái xấu. Cầm bút với trách nhiệm và lương tâm, những người làm báo chân chính gửi gắm những nỗi niềm trăn trở qua từng trang viết, bảo vệ lợi ích chính đáng của người dân. Bản thân họ phải chịu nhiều gian khó khi tác nghiệp, nhưng vẫn tận tâm với nghề. 

Rất mong báo chí chuyển tải những thông tin thực sự có giá trị trong mọi lĩnh vực của đời sống đến với bạn đọc, góp phần xây dựng đất nước giàu mạnh, xã hội ngày càng trong sạch, công bằng. Hơn lúc nào hết, những người làm báo cần có cái tâm, thực hiện thật tốt quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo hôm nay.
  XUÂN MIỄN 
(phường 10, TP Vũng Tàu) 
Có biện pháp chế tài với báo “lá cải” 

Hiện nay có quá nhiều báo mạng và trang thông tin điện tử đưa tin bài giật gân, câu khách. Nhiều báo vì muốn cải thiện doanh thu bằng cách thu hút sự hiếu kỳ của người đọc nên không ngần ngại đi ngược lại với đạo đức nghề báo và tiêu chí tờ báo, vi phạm nguyên tắc tác nghiệp, thậm chí vi phạm pháp luật khi bịa đặt, xoi mói đời tư người khác. Có báo điện tử hay giật tựa rùng rợn, chủ yếu đánh vào tâm lý hiếu kỳ của công chúng nhằm câu view, câu like, nội dung sáo rỗng, không có nguồn hay dẫn chứng rõ ràng. Vì có thể dễ dàng sửa chữa nội dung nhanh chóng, nên một số báo mạng đăng tin bài rất tùy tiện, dễ dãi. 

Trong bối cảnh đó, người đọc cần phải biết chọn lọc tiếp nhận thông tin, không dễ dàng tin và chia sẻ thông tin từ những trang báo “lá cải”, không vô tình a dua theo “tin vịt”, gây nhiễu loạn thông tin, hoang mang dư luận. Về phía cơ quan chức năng, cần giám sát chặt chẽ và có biện pháp chế tài đối với những tờ báo “lá cải”. 
ĐẶNG TRUNG CÔNG 
(quận Bình Tân, TPHCM)    

Đừng câu view bằng hình ảnh phản cảm

Quan tâm theo dõi tin tức thời sự, mỗi sáng tôi đều mở các trang báo mạng ra xem. Tin tức được báo mạng đưa lên nhanh chóng, cập nhật từng giờ, từng phút. Nhưng đáng buồn thay, có không ít báo mạng đang chạy theo lượt view, đua theo tin tức giật gân, cố ý lan truyền những hình ảnh bạo lực, phản cảm. Mấy hôm rày, tôi bị ám ảnh vì lỡ xem clip tài xế xe tải chạy ngược chiều cán làm tử vong 2 người. Trang báo mạng để clip đó ở chế độ tự động, ngay trang chủ. Mở lên, chưa cần bấm thì clip đã tự chạy, khiến tôi phải xem rồi bần thần, sợ hãi. 

Trong khi mạng xã hội Facebook đang quan tâm kiểm soát gỡ những hình ảnh bạo lực, đồi trụy, phản cảm do người dùng post lên, thì nhiều báo mạng Việt Nam vẫn thản nhiên lan truyền hình ảnh tai nạn máu me, bạo lực học đường, đánh ghen dã man..., xem đó là một cách câu view, níu kéo người đọc. Mong những người làm báo có ý thức đạo đức và trách nhiệm với nghề, không đưa đến người đọc những thông tin tệ hại như vậy. Rất mong các cơ quan quản lý tăng cường kiểm tra, xử phạt nghiêm, thậm chí đóng cửa ngay những báo mạng câu view bằng những hình ảnh bạo lực, phản cảm.  
PHẠM KHÁNH HƯNG 
(quận 8, TPHCM)
Tăng chất và lượng thông tin cho người đọc

Là một người ưa thích đọc báo, quan tâm những vấn đề chính trị - xã hội của đất nước, tôi rất mong báo chí chú trọng nhiều hơn đến yếu tố phản biện, đồng thời có thêm nhiều thông tin, bài viết phản bác các ý kiến chưa đúng, các luận điệu sai trái, xuyên tạc. Báo chí cần chú trọng nắm bắt được tâm trạng, diễn biến dư luận trong nhân dân để một mặt phản biện những chủ trương, quyết sách mà người dân chưa đồng thuận do chưa bảo đảm lợi ích chính đáng của nhân dân, đồng thời kịp thời định hướng những ý kiến chưa đúng, nhất là với trường hợp có sự tác động, phá hoại của các phần tử xấu. 

Trong thời gian qua, đã có không ít vấn đề có tác động xã hội rộng lớn được báo chí đeo bám để đi đến cùng sự việc. Có những thông tin nối tiếp nhau để làm rõ, giải thích rõ, định hướng rõ và góp phần thúc đẩy các cơ quan chức năng xử lý theo hướng bảo đảm kỷ cương, thượng tôn pháp luật và tôn trọng các quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của người dân. 
TRỊNH MINH GIANG 
(quận Thủ Đức, TPHCM)

Tin cùng chuyên mục