
Kể từ khi Bộ Y tế có Quyết định 11/2007/QĐ-BYT về việc thực hành tốt nhà thuốc (GPP) với mục tiêu đảm bảo mọi nguồn thuốc sản xuất trong nước hay nhập khẩu đến tay người sử dụng phải hiệu quả, an toàn, đến nay TPHCM đã triển khai sâu rộng đến từng nhà thuốc bán lẻ. Tuy hiệu quả chưa đạt được như mong muốn nhưng bước đầu đã định hình một thị trường thuốc bán lẻ có nề nếp, đáp ứng nhu cầu chữa bệnh của người dân TP. Phóng viên SGGP đã có cuộc trao đổi với PGS-TS Phạm Khánh Phong Lan, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM xung quanh vấn đề này.

Nhà thuốc Bệnh viện Nhân Dân 115 - một trong những nhà thuốc đạt chuẩn GPP.
GPP- con đường tất yếu
- PV: Chỉ còn chưa đầy 4 tháng nữa là hạn cuối để nhà thuốc bán lẻ xây dựng chuẩn GPP. Vậy công tác này tại TPHCM đã triển khai đến đâu sau gần 3 năm qua?
PGS-TS PHẠM KHÁNH PHONG LAN: Tính đến giữa tháng 9-2010, trên toàn địa bàn TP đã có 927/3.667 nhà thuốc đạt chuẩn GPP (25,2%), bao gồm 91 nhà thuốc bệnh viện, 836 nhà thuốc khu dân cư (trong đó có 718 nhà thuốc tư nhân), 118 nhà thuốc doanh nghiệp... TPHCM đã triển khai rất quyết liệt, từ công tác tuyên truyền, tập huấn, đào tạo cho người hành nghề đến công tác thẩm định cấp phép và hậu kiểm. Đến nay, đã có những thay đổi căn bản trong nhận thức của người hành nghề. Nếu ban đầu, rất nhiều người hoài nghi liệu có nên làm và có thể làm GPP hay không, đến nay đa số đã khẳng định: GPP là con đường tất yếu.
- Nhưng với gần 4.000 nhà thuốc bán lẻ, mà chỉ có khoảng 1/3 trong số đó được chứng nhận GPP, liệu công tác thẩm định, xét duyệt có quá chậm không, thưa bà?
Sở Y tế và các phòng y tế quận huyện, hội dược học đã làm việc rất nỗ lực. Tuy nhiên, lực lượng quản lý còn khá mỏng cần được bổ sung trong thời gian tới. Bên cạnh đó, để thẩm định xét duyệt đúng theo tiêu chuẩn GPP sẽ phải đầu tư nhiều thời gian và công sức hơn, chưa kể thời gian cho việc thuyết phục và hướng dẫn người hành nghề.
- Dư luận cho rằng thời gian qua công tác thẩm định cấp phép GPP còn nặng tính hình thức. Một số nhà thuốc còn hạn chế về cơ sở vật chất, nhân sự nhưng cũng được cấp GPP. Vẫn tồn tại tình trạng thuê mướn bằng dược sĩ đứng tên nhưng thực chất lại không có mặt tại nhà thuốc theo quy định. Bà nghĩ sao về điều này?
Việc thẩm định và cấp giấy chứng nhận GPP tại TPHCM tuân thủ theo quy trình cấp giấy chứng nhận GPP của Sở Y tế. Nhà thuốc phải đáp ứng các quy định trong Luật Dược 2005 và Quyết định 11/2007/QĐ-BYT. Có một số nhà thuốc thẩm định không đạt, phải báo cáo khắc phục. Bản thân tôi nghe dư luận trong ngành than thở là quá khó khăn để được cấp phép GPP? Luật Dược nghiêm cấm việc cho thuê bằng dược sĩ. Nếu bị phát hiện, dược sĩ sẽ bị tước chứng chỉ hành nghề dược. Các nhà thuốc dù đã làm GPP hay chưa vẫn phải bảo đảm yêu cầu có mặt dược sĩ tại nhà thuốc hoặc thực hiện ủy quyền theo quy định.
- Tuy nhiên, thời gian qua, cơ quan chức năng phát hiện một số nhà thuốc được cấp GPP nhưng vẫn sai phạm như bán thuốc hết hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc. Sở Y tế đã ghi nhận bao nhiêu trường hợp như vậy và xử lý đến đâu?
Việc đạt chuẩn GPP chỉ là bước khởi đầu của tiến trình chuẩn hóa. Sở Y tế khuyến khích doanh nghiệp và người hành nghề thực hiện chuẩn nhà thuốc tốt. Khi đã có giấy chứng nhận rồi, phải bảo đảm tuân thủ các chuẩn cam kết, dù việc này không phải dễ, nhất là khi trên thực tế vẫn còn tồn tại cả hai hệ thống GPP và không GPP. Người làm đúng nhưng bị thiệt thòi về lợi nhuận sẽ dễ dao động... Cơ chế hậu kiểm và thanh kiểm tra phải được duy trì hiệu quả, nếu không, mọi giấy chứng nhận chỉ mang tính hình thức. Năm 2009 đã thanh tra 4.465 cơ sở, có 752 cơ sở vi phạm, trong đó có 20 nhà thuốc GPP.
Không đạt GPP sẽ chấm dứt hoạt động?
- Thưa bà, trong trường hợp đến hạn 1-1-2011, những nhà thuốc chưa đủ điều kiện cấp GPP có được tiếp tục tồn tại và gia hạn không?
Để thực hiện lộ trình GPP, TPHCM gặp rất nhiều khó khăn vì có số lượng nhà thuốc lớn nhất nước (3.667 nhà thuốc) mà nguồn nhân lực của sở còn hạn chế. Hơn nữa, không phải người hành nghề nào cũng tích cực ủng hộ chủ trương chấn chỉnh lại nhà thuốc. Sở Y tế xác định trọng tâm để triển khai: đầu tiên là các nhà thuốc bệnh viện, nơi tập trung đa số thuốc đặc trị, có giá trị cao, kế đến là các nhà thuốc xung quanh bệnh viện, các nhà thuốc lớn. Đến hết lộ trình, các nhà thuốc chưa đạt GPP sẽ phải chấp nhận không tiếp tục hoạt động hoặc bị thu hẹp phạm vi kinh doanh (vấn đề này do Bộ Y tế quyết định).
- UBND TPHCM vừa yêu cầu Sở Y tế quy hoạch lại mạng lưới phân phối dược phẩm trên địa bàn TP với mục tiêu đáp ứng yêu cầu khám chữa bệnh, an toàn, hiệu quả và bình ổn giá. Đến nay, Sở Y tế đã triển khai đến đâu và định hướng thế nào?
Việc triển khai quy hoạch mạng lưới phân phối dược phẩm (bán buôn và bán lẻ) trên địa bàn TP đã và đang được Sở Y tế tiến hành một cách quyết liệt theo đúng tinh thần chỉ đạo của Bộ Y tế và UBND TP. Trong đó, tiến trình chuẩn hóa các cơ sở kinh doanh dược phẩm đóng vai trò quyết định, là giải pháp “gốc” để đáp ứng yêu cầu khám chữa bệnh, an toàn, hiệu quả và bình ổn giá, bên cạnh giải pháp “ngọn” là thanh - kiểm tra xử lý vi phạm.
- Bà đánh giá như thế nào sau 3 năm thực hiện GPP?
Khoảng thời gian 3 năm tuy chưa dài để có thể đánh giá một cách toàn diện nhưng có thể nói nhà thuốc GPP đã bước đầu thay đổi bộ mặt bên ngoài và chất lượng bên trong của hệ thống bán lẻ dược phẩm tại TP. Đặc biệt phải kể đến vai trò của các nhà thuốc bệnh viện và nhà thuốc chuỗi doanh nghiệp, thể hiện ở 3 khía cạnh chính: Bảo đảm nguồn gốc và chất lượng thuốc, giá thuốc hợp lý và tăng cường công tác chăm sóc dược. Trên một mặt bằng chung của hệ thống bán lẻ còn nhiều khiếm khuyết, cần ghi nhận những nỗ lực tự chấn chỉnh, chuẩn hóa của ngành, mặc dù còn khó khăn. Để chủ trương GPP hóa các nhà thuốc thật sự thành công, cần phải có thời gian, quyết tâm và sự đồng thuận của toàn ngành, toàn xã hội, tất cả vì mục tiêu phục vụ cho lợi ích nhân dân.
Tường Lâm thực hiện