Các đại biểu (ĐB), chuyên gia từ các trường đại học, doanh nghiệp bất động sản đã tập trung thảo luận nhiều nội dung, trong đó tập trung về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; thu hồi đất và chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; vấn đề quyền sử dụng đất của hộ gia đình…
ĐB Trần Văn Khuyên, Bí thư Huyện ủy huyện Hóc Môn, góp ý, quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất đang rất vướng ở địa phương. Có mảnh đất vướng 4 lớp quy hoạch, không tháo gỡ được dù địa phương nhiều lần báo cáo lên cấp thành phố. TPHCM đã có quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn, không cần thiết phải mỗi năm lại lập quy hoạch sử dụng đất.
Liên quan việc này, Phó Giám đốc Sở TN-MT Trần Văn Bảy cho rằng, việc lập kế hoạch sử dụng đất hàng năm ở cấp huyện nghe qua thì rất chặt chẽ, khoa học nhưng thực tế lại đang là khó khăn, bức xúc. Bởi, quy trình làm ra được kế hoạch sử dụng đất hàng năm rất nhiêu khê, mất nhiều thời gian và thực tế rất khó để công bố được kế hoạch vào đầu năm theo yêu cầu. Có nơi tới giữa năm còn chưa có, nên quyền lợi người sử dụng đất bị “treo”. Đã có kế hoạch sử dụng đất 5 năm thì phải hết sức cân nhắc việc tiếp tục “níu kéo” quy định về kế hoạch sử dụng đất hàng năm.
Về việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư mà nhiều ĐB có ý kiến, ông Trần Văn Bảy cho rằng, khi bị thu hồi đất, người dân quan tâm nhiều nội dung, nhưng điều quan tâm lớn nhất chính là giá bồi thường, mong muốn giá sát giá thị trường. Việc chuẩn bị tái định cư là cần thiết, nhưng quan trọng hơn là cần sòng phẳng với người dân về giá bồi thường.
Một số ĐB đề nghị, với đất do Nhà nước quản lý (đất công), cần có hẳn một chương quy định về loại đất này. Về việc sử dụng đất của hộ gia đình, Ths-LS Nguyễn Thúy Hằng, giảng viên Trường Đại học Tài nguyên - Môi trường, cho rằng, quy định ghi tên các thành viên trong hộ gia đình vào giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sẽ nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp. Bởi hộ gia đình có thể thay đổi thành viên, thay đổi quan hệ hôn nhân…
Trong khi đó, TS Nguyễn Lưu Bảo Đoan, Trưởng bộ môn Bất động sản Trường Đại học Kinh tế TPHCM, đề nghị bổ sung thông tin cơ chế giải quyết khiếu nại và tiếp thu phản hồi của những người có tài sản và quyền sử dụng đất bị ảnh hưởng. Đồng thời, nêu rõ cấp thẩm quyền nào có quyết định cuối cùng, tương ứng với quy mô dự án phát triển.
Kết luận tại hội nghị, Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ nhấn mạnh, việc tổ chức hội nghị lấy ý kiến góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) nhằm ghi nhận các ý kiến đóng góp của các ĐB và chuyên gia đối với dự án luật, tạo điều kiện cho người dân sử dụng đất đai có hiệu quả, góp phần vào việc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Theo đồng chí Nguyễn Thị Lệ, những vấn đề góp ý tại hội nghị đã thể hiện trách nhiệm cá nhân và sự quan tâm sâu sát trong việc hoàn thiện chính sách, pháp luật về đất đai; góp phần hoàn thiện dự thảo luật, đảm bảo khi luật được ban hành có tính khả thi cao và thực sự đi vào cuộc sống. Qua đó, TPHCM cùng cả nước góp phần hoàn thiện thể chế, chính sách quản lý và sử dụng đất đồng bộ với thể chế phát triển, hướng tới xây dựng các quy định pháp luật đối với quản lý và sử dụng đất kết hợp đa mục đích gắn liền với đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số và nâng cao năng lực quản lý nhà nước về đất đai.