Sáng 22-4, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghe Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu báo cáo thẩm tra sơ bộ Dự án Luật Thỏa thuận quốc tế.
Tại phiên họp, các ý kiến tham gia đều nhất trí về sự cần thiết ban hành Luật Thỏa thuận quốc tế theo Tờ trình của Chính phủ. Về tính hợp hiến, hợp pháp và tính tương thích với các điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu cho biết, cơ quan thẩm tra cho rằng Dự án Luật phù hợp với Hiến pháp năm 2013 và tương thích với các điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên. Có ý kiến cho rằng đây là luật quy định về trình tự, thủ tục ký kết, không phải luật quy định về tổ chức bộ máy Nhà nước, nên cần cân nhắc việc quy định về chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền trong dự thảo Luật này.
Về khái niệm “thỏa thuận quốc tế”, đa số ý kiến thẩm tra cho rằng, dự thảo Luật vẫn chưa làm rõ nội hàm, nội dung cốt lõi của khái niệm này, có sự chồng lấn với Luật Điều ước quốc tế.
Đáng lưu ý, các ý kiến thẩm tra đều nhất trí chủ trương mở rộng chủ thể ký kết thỏa thuận quốc tế về phía Việt Nam. Tuy nhiên, nhiều ý kiến đề nghị cân nhắc một số nội dung cụ thể sau: Dự án Luật quy định chủ thể ký kết chỉ là cơ quan của Quốc hội, chưa bao quát hết các chủ thể có thẩm quyền ký kết về phía Quốc hội. Nhiều ý kiến đề nghị cân nhắc việc mở rộng chủ thể ký kết thỏa thuận quốc tế đến Ủy ban nhân dân cấp huyện và Ủy ban nhân dân cấp xã do hợp tác quốc tế luôn tiềm ẩn những vấn đề nhạy cảm về chính trị, đối ngoại, quốc phòng, an ninh đòi hỏi cơ quan, tổ chức tham mưu và chủ thể ký kết phải có năng lực nhất định, do đó không phải cơ quan, tổ chức nào cũng được quyền ký kết thỏa thuận quốc tế.
“Nhiều ý kiến cho rằng không nên phân cấp cho nhiều chủ thể ký kết thỏa thuận quốc tế vì dễ tạo nên sự thiếu thống nhất giữa các địa phương, đặc biệt giữa các địa phương có chung đường biên giới với cùng một quốc gia như ở Việt Nam”, Chủ nhiệm Nguyễn Văn Giàu nhấn mạnh.
Cũng có ý kiến lưu ý rằng, trên thực tế, các đơn vị sự nghiệp công lập (nhất là các cơ sở nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, giáo dục, y tế…) đã ký kết nhiều thỏa thuận quốc tế thời gian qua và trên thực tế vẫn có nhu cầu ký kết. Tuy nhiên, dự thảo Luật quy định bên ký kết Việt Nam lại không bao gồm chủ thể này, vậy thì quy định nào của pháp luật điều chỉnh.