Theo Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật, so với Luật hiện hành, dự thảo Luật có nhiều sửa đổi, bổ sung quan trọng về các loại hợp đồng đi làm việc ở nước ngoài; minh bạch hóa quy định và nâng cao điều kiện đầu tư kinh doanh đối với ngành nghề hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài; hồ sơ, trình tự, thủ tục cấp/cấp đổi/cấp lại/thu hồi giấy phép tuyển chọn, đào tạo lao động và chuẩn hóa nguồn lao động. Dự thảo cũng đã quy định khá chi tiết về chi phí đối với người lao động đi làm việc ở nước ngoài và việc bảo đảm trách nhiệm của doanh nghiệp với người lao động.
Đáng lưu ý, dự thảo đã bổ sung quy định Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước là quỹ tài chính ngoài ngân sách; được quản lý bởi Hội đồng quản lý và Ban Điều hành quỹ; bổ sung quy định về các nội dung được chi từ Quỹ, gồm 8 đầu mục như: thông tin, tuyên truyền; hỗ trợ doanh nghiệp mở thị trường mới, ngành nghề mới; xúc tiến, quảng bá về nguồn lao động Việt Nam; xây dựng và duy trì hoạt động sàn giao dịch việc làm ngoài nước trực tuyến cho người lao động có nhu cầu tìm hiểu, đăng ký đi làm việc ở nước ngoài; hỗ trợ cho người lao động, thân nhân người lao động gặp rủi ro trong thời gian làm việc ở nước ngoài; các hoạt động nhằm bảo vệ tính mạng, quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động trong các trường hợp xảy ra thiên tai, dịch bệnh, bất ổn chính trị, chiến tranh…
Một nội dung sửa đổi quan trọng khác liên quan đến nguồn hình thành Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước, cụ thể là bỏ nguồn hỗ trợ của ngân sách Nhà nước và bổ sung nguyên tắc sử dụng Quỹ.
“Do hồ sơ dự án Luật chưa giải trình cụ thể đối với hoạt động của Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước, chưa bổ sung báo cáo đánh giá thực chất sự cần thiết tiếp tục duy trì và hiệu quả trong quản lý, sử dụng Quỹ, làm rõ mối quan hệ của Quỹ với các nhiệm vụ chi của ngân sách Nhà nước trong những năm qua, nên Thường trực Ủy ban chưa có đủ cơ sở để đánh giá”, bà Nguyễn Thúy Anh nêu nhận xét và đề nghị Ban Soạn thảo bổ sung đánh giá, giải trình cụ thể hơn.
Đáng lưu ý, dự thảo bổ sung quy định về nghĩa vụ của người lao động sau khi đi làm việc ở nước ngoài trở về phải “thông báo với chính quyền địa phương nơi cư trú chậm nhất 30 ngày, kể từ ngày về nước để kịp thời cập nhật thông tin và được hỗ trợ tìm kiếm việc làm. Phạm vi bảo lãnh đối với người lao động được mở rộng, theo đó trường hợp người lao động bị xử phạt vi phạm hành chính bằng hình thức phạt tiền, do có hành vi vi phạm quy định tại Luật này mà cố tình trốn tránh không chấp hành quyết định xử phạt trong thời hạn pháp luật quy định, thì người bảo lãnh có trách nhiệm nộp tiền phạt cho người lao động, nếu hai bên có thỏa thuận trong hợp đồng bảo lãnh”.
Dự thảo Luật cũng đưa thêm 1 nội dung liên quan đến việc ứng dụng công nghệ, số hóa thông tin về lao động di cư trong quản lý Nhà nước, theo đó “thực hiện quản lý người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng bằng mã số, tích hợp trên hệ thống cơ sở dữ liệu về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, đảm bảo thường xuyên cập nhật số liệu, tình hình người lao động đi làm việc ở nước ngoài với các chỉ số về giới tính, dân tộc, tuổi, ngành nghề, mức lương, địa bàn và các thông tin cần thiết khác”.
Kể từ năm 2007 đến nay, số lượng người lao động đi làm việc ở nước ngoài hàng năm tăng đáng kể, trung bình mỗi năm có hơn 80.000 người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Đặc biệt, trong 5 năm gần đây, mỗi năm có trên 130.000 người lao động ra nước ngoài làm việc. |