Phòng xa
Quyết định trên có hiệu lực ngay sau khi Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và chăn nuôi Brazil Carlos Favaro ký ban hành ngày 22-5. Brazil đã xác định 5 ca nhiễm H5N1 ở chim hoang dã, bao gồm 4 ca ở bang Espirito Santo và 1 ca ở bang Rio de Janeiro.
Dù các bang sản xuất các sản phẩm gia cầm chính của Brazil nằm ở miền Nam, nhưng chính phủ nước này vẫn thận trọng ban bố tình trạng khẩn cấp trong bối cảnh lây lan cúm gia cầm từ chim hoang dã sang các đàn gia cầm thương mại tại một số quốc gia. 3 trong 4 trường hợp nhiễm bệnh tại Espirito Santo được ghi nhận ở các thành phố ven biển của bang này, cho thấy nguy cơ lây nhiễm H5N1 trong nước đang gia tăng.
Cuối tuần qua, Bộ Y tế Brazil xác nhận mẫu bệnh phẩm của 33 trường hợp nghi ngờ mắc cúm gia cầm trên người tại Espirito Santo đều âm tính với chủng virus H5N1. Hiện nhà chức trách đang tiến hành lấy mẫu xét nghiệm đối với 2 trường hợp nghi nhiễm khác.
Tiêm vaccine tập trung vào gia cầm thả rông, chủ yếu là vịt |
Căn cứ hướng dẫn của Tổ chức Thú y thế giới (WOAH), Brazil không kích hoạt lệnh cấm buôn bán gia cầm trong bối cảnh lây nhiễm cúm H5N1 ở các loài chim hoang dã. Tuy nhiên, thông thường, khi một trang trại phát hiện trường hợp mắc cúm gia cầm, toàn bộ đàn gia cầm tại đó sẽ bị tiêu hủy và có thể kích hoạt các quốc gia hạn chế nhập khẩu gia cầm.
Trước khi có thông tin ban bố tình trạng thú y khẩn cấp nói trên, giá cổ phiếu của công ty xuất khẩu thịt gà lớn nhất thế giới BRF SA có trụ sở tại Brazil tăng 3,6%. Sau đó, giá cổ phiếu đã giảm 0,5%. Brazil là nước xuất khẩu thịt gà lớn nhất thế giới với doanh thu 9,7 tỷ USD trong năm ngoái.
Còn do dự
Tổng Giám đốc WOAH Monique Eloit nhấn mạnh, cuộc khủng hoảng Covid-19 khiến mọi quốc gia đều nhận ra rằng giả thuyết về đại dịch là có thật. Do hầu hết quốc gia có giao thương quốc tế đều đã ghi nhận các ca mắc cúm gia cầm, bà Monique Eloit cho rằng đã đến lúc thảo luận về tiêm vaccine phòng ngừa căn bệnh này cho gia cầm, bên cạnh việc tiêu hủy có hệ thống vẫn là công cụ chính để kiểm soát dịch bệnh.
Theo Tổng Giám đốc WOAH, việc tiêm vaccine cần tập trung vào gia cầm thả rông, chủ yếu là vịt, vì cúm gia cầm do các loài chim hoang dã di cư bị mắc bệnh làm lây lan. Trong khi đó, việc tiêm vaccine cho gà, chiếm khoảng 60% sản lượng gia cầm thế giới, không mang lại nhiều hiệu quả. Mức độ nghiêm trọng của đợt bùng phát cúm gia cầm hiện nay cùng những thiệt hại về kinh tế và cá nhân mà căn bệnh này gây ra đã khiến các chính phủ xem xét lại việc tiêm vaccine cho gia cầm.
Tuy nhiên, một số nước như Mỹ vẫn do dự, chủ yếu vì những biện pháp hạn chế thương mại đi kèm. Kết quả khảo sát của WOAH cho thấy, chỉ 25% số nước thành viên của tổ chức này sẽ chấp nhận việc nhập khẩu các sản phẩm gia cầm được tiêm vaccine ngừa cúm gia cầm độc lực cao (HPAI).
Năm ngoái, 27 nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã nhất trí triển khai chiến lược tiêm vaccine cúm gia cầm. Pháp, nước đã chi khoảng 1,1 tỷ USD trong giai đoạn 2021-2022 để bù đắp cho ngành gia cầm khi phải tiêu hủy gia cầm hàng loạt, dự kiến sẽ là nước đầu tiên trong EU bắt đầu chương trình vaccine này, trước hết là tiêm ngừa cho vịt.