Cân nhắc quy định về loại trừ, miễn hoặc giảm nhẹ trách nhiệm cho người đứng đầu

Theo Ủy ban Kinh tế, việc quy định “Người đứng đầu cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức, viên chức tham gia xây dựng, ban hành các cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy tiến độ thực hiện dự án được xem xét loại trừ, miễn hoặc giảm nhẹ trách nhiệm nếu trong quá trình thực hiện dự án xảy ra các hành vi, tác động tiêu cực, lợi ích nhóm, lãng phí” chưa rõ phạm vi, mức độ, hình thức, quy trình được quyền áp dụng.

Chiều 10-2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghe các báo cáo và cho ý kiến về chủ trương đầu tư dự án tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng.

TRẦN HÔNG MINH.jpg
Bộ trưởng Bộ GTVT Trần Hồng Minh trình bày tờ trình của Chính phủ

Trình bày tờ trình của Chính phủ về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ GTVT Trần Hồng Minh cho biết, Bộ Chính trị đã thống nhất chủ trương đầu tư dự án và giao các cơ quan liên quan hoàn thiện hồ sơ để trình Quốc hội khóa XV tại kỳ họp bất thường lần thứ 9 xem xét, quyết định thông qua chủ trương đầu tư, một số cơ chế, chính sách đặc thù để triển khai dự án.

Phạm vi đầu tư: điểm đầu tại vị trí kết nối ray qua biên giới giữa ga Lào Cai mới và ga Hà Khẩu Bắc (Trung Quốc); điểm cuối tại khu bến Lạch Huyện, đi qua địa phận 9 tỉnh, thành phố; chiều dài tuyến chính khoảng 390,9km và 3 tuyến nhánh khoảng 27,9km.

“Hướng tuyến được nghiên cứu, lựa chọn bảo đảm ngắn nhất, thẳng nhất có thể, sử dụng 3 loại kết cấu chính trên tuyến (trong đó: kết cấu cầu chiếm khoảng 29% chiều dài tuyến, hầm khoảng 7% và nền đất khoảng 64%) bảo đảm phù hợp với các quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt; hạn chế đi qua các khu vực nhạy cảm về môi trường tự nhiên, xã hội, đất quốc phòng; hạn chế khối lượng giải phóng mặt bằng, bảo đảm kết nối thuận lợi với các tuyến đường sắt khu vực đầu mối Hà Nội, đường sắt kết nối Trung Quốc”, Bộ trưởng Trần Hồng Minh khái quát.

Để thực hiện thành công và sớm hoàn thành dự án theo tiến độ yêu cầu, Chính phủ đề xuất áp dụng 19 cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt. Trong đó, có 15/19 cơ chế, chính sách đã được Quốc hội cho phép áp dụng đối với dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam tại Nghị quyết số 172/2024/QH15 và đề xuất bổ sung 4 cơ chế, chính sách khác.

ĐV.jpg
Lãnh đạo Chính phủ dự họp

Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nhận định, dự án có vai trò quan trọng, mang tính chiến lược dài hạn và có quy mô rất lớn, yêu cầu về công nghệ kỹ thuật phức tạp. Do đó, để bảo đảm tính khả thi, hiệu quả cho dự án thì việc Chính phủ đề xuất Quốc hội cho phép áp dụng một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt là rất cần thiết.

Về loại trừ, miễn hoặc giảm nhẹ trách nhiệm với người đứng đầu cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức, viên chức tham gia, thực hiện dự án, cơ quan thẩm tra cho rằng, dự án đã được cấp có thẩm quyền xem xét, cho ý kiến, với tiến độ cấp bách của dự án thì việc chuẩn bị đầu tư sẽ có thể xảy ra những bất cập. Tuy nhiên, việc quy định “Người đứng đầu cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức, viên chức tham gia xây dựng, ban hành các cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy tiến độ thực hiện dự án được xem xét loại trừ, miễn hoặc giảm nhẹ trách nhiệm nếu trong quá trình thực hiện dự án xảy ra các hành vi, tác động tiêu cực, lợi ích nhóm, lãng phí” chưa rõ phạm vi, mức độ, hình thức, quy trình được quyền áp dụng và có thể tạo ra tiền lệ, không công bằng, thống nhất với các dự án khác.

HT.jpg
Quang cảnh phiên họp

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đã có chính sách về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung (Nghị định số 73/2023/NĐ-CP ngày 29-9-2023 của Chính phủ), do đó, Ủy ban đề nghị cân nhắc kỹ lưỡng đối với chính sách này và báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Tin cùng chuyên mục