Quyết định này nhiều khả năng sẽ được thực hiện ngay sau cuộc họp tiếp theo của FED vào tháng 11 tới. Nếu đúng, quá trình cắt giảm sẽ kéo dài trong khoảng 10 tháng hoặc lâu hơn.
Thị trường lao động và lạm phát là hai yếu tố chính ảnh hưởng đến các quyết định chính sách tiền tệ của FED. Một báo cáo mới công bố cho thấy số lượng việc làm mới tạo ra trong tháng 7 đã tăng vọt, phản ánh sự phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế chung cũng như thị trường lao động.
Số liệu lạm phát gần đây đã đạt đến mục tiêu của FED và tỷ lệ thất nghiệp cũng sắp thỏa mãn điều kiện sau khi giảm từ 14,8% hồi tháng 4 năm ngoái xuống 5,4%. Đây chính là cơ sở để FED bắt đầu cắt giảm quy mô chương trình mua tài sản trị giá 120 tỷ USD hàng tháng ở thời điểm hiện tại.
Tuy nhiên, kế hoạch này hiện vẫn chưa nhận được sự ủng hộ đa số trong nội bộ ban lãnh đạo của FED. Đã xuất hiện nhiều ý kiến cho rằng FED cần kiên nhẫn và việc bắt đầu cắt giảm chính sách kích thích nên đợi đến năm sau khi đà phục hồi kinh tế vững chắc hơn.
Hơn nữa, cần đợi dữ liệu tuyển dụng của tháng 9, vốn phải tới tháng 10 mới được công bố. Nguy cơ đại dịch Covid-19 bùng phát trở lại có thể sẽ tạo sức ép lên đà phục hồi kinh tế, gây ảnh hưởng đến vấn đề tuyển dụng khiến số lượng việc làm sẽ sụt giảm.
Việc FED cắt giảm chương trình này có thể khiến trái phiếu tụt giá, đẩy lợi suất trái phiếu tăng, tạo ra môi trường bất lợi cho giá vàng vì vàng là tài sản không mang lãi suất. Sự bất ổn đối với kế hoạch trên vẫn còn khá cao khi tình trạng thiếu hụt nguồn cung trên toàn cầu do sự gián đoạn trong hoạt động sản xuất và vận chuyển đang đẩy giá hàng hóa tăng cao.
Từ thời điểm đại dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát tại Mỹ đến nay, FED đã duy trì lãi suất cơ bản ở mức 0%-0,25% nhằm thúc đẩy thanh khoản, giảm chi phí vay, xoa dịu các tác động kinh tế từ cuộc khủng hoảng đại dịch. Vì lẽ đó, giới chuyên gia kinh tế lưu ý động thái giảm mua tài sản cũng có thể bị hiểu nhầm như là bước đầu tiên hướng đến việc nâng lãi suất của FED, có thể gây biến động thị trường.