Sáng 20-6, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Thủy sản (sửa đổi) sau 13 năm thực hiện luật này.
Vấn đề mà các ĐBQH quan tâm thảo luận là về thẩm quyền giao, cho thuê, thu hồi đất, mặt nước biển để nuôi trồng thủy sản.
Trước đó, khi thẩm tra dự thảo luật này, Ủy ban Khoa học-Công nghệ và Môi trường của Quốc hội (KH-CN-MT) đề nghị Ban Soạn thảo cân nhắc việc giao UBND cấp tỉnh có thẩm quyền giao, cho thuê mặt nước biển. Bởi vì việc đó khó khả thi đối với các dự án có quy mô đầu tư trên diện tích lớn, ảnh hưởng đến nhiều tỉnh.
Mặt khác, đối với mô hình nuôi xa bờ, theo quy định hiện hành, UBND cấp tỉnh chỉ có thẩm quyền giao, cho thuê từ vùng biển 3 hải lý trở vào. Bên cạnh đó, do đặc thù của mô hình này là xa vùng bờ nên khó kiểm soát và ảnh hưởng đến an ninh quốc phòng, cần có sự đánh giá tổng hợp của các cơ quan chuyên ngành Trung ương.
Do vậy, Ủy ban đề nghị quy định thẩm quyền giao, cho thuê đối với những trường hợp này cho Chính phủ, bộ; cần quy định chi tiết trách nhiệm của Chính phủ, các bộ liên quan trước khi giao, cho thuê mặt nước.
Ngoài ra, Ủy ban KH-CN-MT thấy rằng, việc thu hút vốn đầu tư của nước ngoài vào Việt Nam là một chủ trương đúng đắn để phát triển đất nước. Tuy nhiên, việc quy định cho cá nhân, tổ chức nước ngoài thuê mặt nước biển để nuôi trồng thủy sản là phương thức mới, diện tích vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam rộng lớn với gần 1 triệu km2, tiếp giáp với nhiều quốc gia, do vậy cần cân nhắc kỹ lưỡng một số vấn đề về quốc phòng - an ninh để bảo đảm hài hòa lợi ích phát triển kinh tế và an ninh quốc gia.
Đối với quyền của tổ chức, cá nhân được giao, cho thuê mặt nước biển để nuôi trồng thủy sản, Ủy ban KH-CN-MT đề nghị Ban Soạn thảo xem xét, quy định chặt chẽ hơn đối với trường hợp tổ chức, cá nhân Việt Nam chuyển nhượng, cho thuê lại với tổ chức, cá nhân nước ngoài để tránh tiềm ẩn các nguy cơ ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh.
ĐB Vương Văn Sáng (Lào Cai) và một số ĐB đề nghị cấm người thuê mặt nước biển chuyển nhượng cho người nước ngoài. Ngoài ra, cần quy định việc nhà nước sẽ thu hồi nếu trong quá trình thực hiện khai thác mặt nước biển để nuôi thủy sản, các tổ chức, cá nhân có gây phương hại đến chủ quyền, an ninh quốc gia, cũng như nếu phát hiện ra có tổ chức, nước ngoài đứng sau thao túng hoạt động khai thác mặt nước biển.
Một số ĐB đề nghị cần bổ sung vấn đề bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia để điều chỉnh thực tế ngư dân nước bạn khai thác trên vùng biển, hoặc vùng sông giáp ranh.
Về chính sách phát triển thủy sản, một số ĐB đề nghị bổ sung chính sách mua bảo hiểm cho ngư dân nuôi trồng thủy sản ở vùng nước biển bởi đầu tư lớn, rủi ro cao. Hay chính sách hỗ trợ cho ngư dân trong thời gian cấm đánh bắt thủy sản là rất cần thiết nhưng phải quy định chặt chẽ để tránh trục lợi.
Nhiều ĐBQH cũng đồng ý thành lập quỹ bảo vệ và phát triển thủy sản ở cả Trung ương và tỉnh. Lực lượng kiểm ngư ngoài ở Trung ương thành lập thêm ở 29 tỉnh thành ven biển. Cùng với đó, cần có chế tài đối với việc làm dịch bệnh thủy sản lây lan.