Cân nhắc kỹ việc bỏ quy định về địa hạt công chứng đối với bất động sản

Theo nhiều thành viên Ủy ban Pháp luật, cần cân nhắc kỹ lưỡng khi bỏ quy định về địa hạt công chứng đối với bất động sản để tránh phát sinh rủi ro pháp lý cũng như tình trạng làm giả hồ sơ, giấy tờ.

Ngày 8-5, Ủy ban Pháp luật họp phiên toàn thể lần thứ 22 theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến. Tại phiên họp, Ủy ban Pháp luật thẩm tra dự án Luật Công chứng (sửa đổi) và đề nghị của Chính phủ bổ sung dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp vào Chương trình Xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024.

phap luat 8-5.jpeg
Quang cảnh phiên họp

Về dự án Luật Công chứng (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, dự thảo luật đã được sửa đổi, bổ sung theo hướng xác định công chứng là việc công chứng viên chứng nhận tính xác thực, hợp pháp của giao dịch dân sự bằng văn bản; việc chứng nhận bản dịch không còn thuộc phạm vi công chứng mà là hoạt động chứng thực chữ ký người dịch theo quy định của pháp luật về chứng thực.

“Như vậy, trong trường hợp công chứng viên chỉ thực hiện việc chứng thực thì không được xem là hành nghề công chứng”, Bộ trưởng nêu rõ.

LONG 8.jpeg
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long báo cáo về dự án Luật Công chứng (sửa đổi)

Bên cạnh đó, dự thảo cũng bổ sung quy định về một số hành vi bị nghiêm cấm đối với công chứng viên, tổ chức hành nghề công chứng, cá nhân, tổ chức có liên quan nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ công chứng viên, góp phần phát triển các tổ chức hành nghề công chứng ổn định, bền vững, tăng cường trách nhiệm, ý thức của cá nhân, tổ chức có liên quan đến việc công chứng.

Tại phiên họp, các thành viên Ủy ban Pháp luật tán thành việc sửa đổi toàn diện Luật Công chứng năm 2014. Tuy nhiên, các thành viên lưu ý rằng dự thảo luật có tới 14 nội dung giao Chính phủ, 7 nội dung giao Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định chi tiết. Thành viên cơ quan thẩm tra đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu để luật hóa tối đa các nội dung đã chín, đã rõ, đã được thực tiễn kiểm nghiệm và phát huy hiệu quả trên thực tế, tránh giao quá nhiều nội dung quy định chi tiết làm giảm tính minh bạch, hơn nữa, làm cho luật chậm đi vào cuộc sống vì phải chờ văn bản hướng dẫn.

Đáng lưu ý, liên quan đến thẩm quyền địa hạt công chứng, một số đại biểu cho rằng, cần cân nhắc kỹ lưỡng khi bỏ quy định về địa hạt công chứng đối với bất động sản để tránh phát sinh rủi ro pháp lý cũng như tình trạng làm giả hồ sơ, giấy tờ.

Nội dung về tập sự hành nghề công chứng cũng đã được thành viên ủy ban góp ý hoàn thiện, theo đó cần quy định cụ thể hơn về nội dung chương trình tập sự, kiểm tra kết quả tập sự tại Điều 10 dự thảo luật. Những nội dung này đã thực hiện ổn định, phát huy hiệu quả trong thực tiễn, hoàn toàn có thể đưa vào luật.

Tin cùng chuyên mục