Sáng 17-3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) tiếp tục tiến hành phiên họp thứ 21, tiến hành xem xét cho ý kiến về đề nghị bổ sung vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 đối với 2 dự án: Luật Căn cước công dân (sửa đổi), Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).
Tham dự phiên họp có Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, đại diện Văn phòng Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước cùng một số cơ quan hữu quan.
Tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, Chính phủ đề nghị xây dựng Luật Căn cước công dân (sửa đổi) với 4 nhóm chính sách. Bao gồm quy định việc tích hợp thông tin khác ngoài thông tin trong cơ sở dữ liệu căn cước công dân vào thẻ căn cước công dân; bổ sung thông tin lưu trữ trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu căn cước công dân; bổ sung đối tượng được cấp thẻ căn cước công dân và đối tượng được cấp giấy chứng nhận căn cước.
Dự thảo luật cũng hoàn thiện quy định về quản lý, vận hành, khai thác, sử dụng thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu căn cước công dân; tài khoản định danh điện tử (căn cước điện tử) và việc sử dụng tài khoản định danh điện tử; cấp, hủy/thu hồi số định danh cá nhân…
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trình bày tờ trình của Chính phủ |
Về dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), Chính phủ đề nghị xây dựng Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) với 6 chính sách. Trong đó, đáng lưu ý là các quy định nhằm tạo cơ sở thúc đẩy quá trình cơ cấu lại tổ chức tín dụng và xử lý tổ chức tín dụng yếu kém; quy định về xử lý nợ xấu; quy định về xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu.
Thẩm tra đề nghị bổ sung 2 dự án Luật vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, Thường trực Ủy ban Pháp luật, Ủy ban Quốc phòng và An ninh và các cơ quan tán thành với sự cần thiết sửa đổi Luật Căn cước công dân. Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật đủ điều kiện trình UBTVQH xem xét, quyết định việc bổ sung vào chương trình.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh phát biểu tại phiên họp |
Tuy nhiên, đề nghị trong quá trình xây dựng dự án Luật cần tiếp tục bổ sung đánh giá tác động kỹ hơn. Đối với thời điểm trình dự án Luật, đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Pháp luật cho rằng, Tờ trình của Chính phủ chưa làm rõ được tính cấp thiết cần trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến về dự án Luật ngay tại kỳ họp thứ 5 sắp tới, nhất là trong bối cảnh số lượng dự án luật, nghị quyết dự kiến trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 5 khá lớn.
Do đó, đề nghị Chính phủ rà soát lại tổng thể các dự án luật dự kiến trình Quốc hội tại các kỳ họp thứ 5 và thứ 6, nhất là đối với các dự án luật thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh để đề xuất điều chỉnh tiến độ trình một số dự án sang các kỳ họp tiếp theo.
Đối với dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), cần bổ sung đánh giá kỹ những tác động tiêu cực của từng phương án, chính sách để bảo đảm tính toàn diện. Bên cạnh đó, dự án Luật có nhiều nội dung liên quan đến phạm vi lĩnh vực phụ trách của Bộ Tài chính, nhưng hồ sơ còn thiếu văn bản tham gia ý kiến của Bộ Tài chính; đồng thời, ý kiến tham gia của Bộ Ngoại giao chưa thể hiện rõ nội dung đánh giá về sự tương thích với điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên như quy định…
Trên cơ sở ý kiến các cơ quan của Quốc hội, Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị UBTVQH xem xét, quyết định bổ sung dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) vào chương trình năm 2023, trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 5, thông qua tại kỳ họp thứ 6.
Đối với dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi), Thường trực Ủy ban Pháp luật cho rằng cần tiếp tục cân nhắc trong tổng thể các dự án luật thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh dự kiến trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp thứ 5, kỳ họp thứ 6 và sẽ được UBTVQH quyết định khi xem xét dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh chương trình năm 2023.
Đứng đầu cơ quan đồng thẩm tra dự luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nói thêm, Luật Các tổ chức tín dụng liên quan khoảng 20 luật; phải rà soát thêm để đảm bảo tính tương thích. Mặt khác, quá trình thực hiện thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng theo Nghị quyết số 42/2017/QH14 đã xuất hiện nhiều ý kiến chưa thống nhất, cần phải cân nhắc thêm trước khi luật hóa.