Cân nhắc kỹ khi điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển

Với quy chế tuyển sinh năm nay, sau khi có kết quả thi THPT quốc gia 2017, nhiều thí sinh, phụ huynh đang suy nghĩ rất nhiều về việc có nên điều chỉnh nguyện vọng hay không?
Thí sinh tại Hội đồng thi Trường Nguyễn Thị Minh Khai trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2017
Thí sinh tại Hội đồng thi Trường Nguyễn Thị Minh Khai trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2017
Ngày 8-7, tại Trường Đại học Bách khoa Hà Nội đã diễn ra ngày hội tư vấn xét tuyển ĐH-CĐ năm 2017 do Bộ GD-ĐT phối hợp với các đơn vị tổ chức.
Với quy chế tuyển sinh năm nay cho phép thí sinh được điều chỉnh nguyện vọng 1 lần, hiện nay sau khi có kết quả thi THPT quốc gia 2017, nhiều thí sinh, phụ huynh đang suy nghĩ rất nhiều về việc có nên điều chỉnh nguyện vọng hay không? Những trường hợp nào thì thí sinh nên thay đổi nguyện vọng và những trường hợp nào thì không nên thay đổi nguyện vọng của mình? 
Tìm hiểu kỹ các thông tin
Tại ngày hội tư vấn, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga nhấn mạnh, năm nay là năm đầu tiên thí sinh được đăng ký xét tuyển vào các trường đại học với số nguyện vọng không giới hạn trước khi thi và được điều chuyển nguyện vọng 1 lần sau khi có kết quả thi.
“Ngày 12-7, Bộ GD-ĐT sẽ công bố ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào để các trường làm căn cứ xét tuyển. Đối với thí sinh đây là lúc các em đối sánh kết quả thi của mình với kết quả thi dự kiến trước đây trong bối cảnh chung về kết quả thi toàn quốc để quyết định lần cuối việc đăng ký xét tuyển”, Thứ trưởng Bùi Văn Ga nói.
Trong đợt 1, mỗi thí sinh chỉ được điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển 1 lần duy nhất (trong khoảng thời gian từ 15 đến 23-7). Nếu không trúng tuyển đợt 1, các em có thể đăng ký xét tuyển các đợt bổ sung nếu các trường còn chỉ tiêu.
Theo quy chế tuyển sinh áp dụng từ 2017, các trường có thể tuyển sinh nhiều đợt trong năm theo đề án mà trường đã công bố. “Thí sinh chỉ được điều chỉnh nguyện vọng 1 lần và không được điều chỉnh lại. Cho nên việc có thay đổi nguyện vọng hay không là rất quan trọng, thí sinh cần tìm hiểu kỹ các thông tin để đưa ra quyết định chọn đúng và trúng nhất”, Thứ trưởng Bùi Văn Ga lưu ý. 
Vẫn theo Thứ trưởng Bùi Văn Ga, Bộ GD-ĐT đã công bố phổ điểm cụ thể, thí sinh và phụ huynh có thể tham khảo và nghiên cứu thật kỹ trước khi đưa ra quyết định cuối cùng.
Nhìn vào phổ điểm 2017 cho thấy, các tổ hợp xét tuyển truyền thống như khối A, B (các khối có số thí sinh nhiều nhất) thì điểm thi hầu như không có sự khác biệt nhiều so với năm 2016.
Năm nay có nhiều em đạt điểm cao hơn năm trước nên thí sinh cần nghiên cứu, cân nhắc thật kỹ việc điều chỉnh nguyện vọng của mình. “Chẳng hạn các em yêu thích ngành y đa khoa thì có thể đăng ký xét tuyển ngành này ở Trường Đại học Y Hà Nội, Y Thái Bình, Y Hải Phòng, Y khoa Phạm Ngọc Thạch (TPHCM)… Thí sinh đăng ký nhiều nơi, điểm của các em phù hợp với trường nào thì các em xét tuyển ở trường đó. Có nghĩa là cơ hội để các em trúng tuyển vào ngành nghề mà mình yêu thích là rất lớn”, Thứ trưởng Bùi Văn Ga nêu.
Hãy chọn ngành đúng năng lực, sở thích
Theo bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD-ĐT), việc điều chỉnh sau khi có kết quả thi tạo điều kiện cho thí sinh tăng cơ hội trúng tuyển và chọn được ngành học phù hợp với nguyện vọng và khả năng của bản thân, phù hợp với kết quả thi.
Thí sinh nên căn cứ chủ yếu vào năng lực, sở trường, nguyện vọng, kết quả thi của mình so với tương quan chung, điểm của tổ hợp xét tuyển có lợi thế nhất. Cùng với đó, tham khảo mức điểm trúng tuyển hai năm trước của trường đã đăng ký xét tuyển (trong tương quan với các trường khác có cùng ngành đào tạo)… để điều chỉnh nguyện vọng. 
Trong quá trình xét tuyển, các trường và hệ thống phần mềm chung sẽ xét tuyển như sau: nếu thí sinh đã trúng tuyển nguyện vọng 1 thì không được xét tiếp nguyện vọng 2.
Nếu trượt nguyện vọng 1 thì danh sách sẽ tự đưa các em xuống nguyện vọng 2 và nếu trúng tuyển nguyện vọng 2 thì dừng ở đó không xét tiếp các nguyện vọng 3, 4… “Vì vậy, thí sinh không phải quá lăn tăn suy nghĩ nên nộp vào trường nào, mà chỉ cần xem năng lực, sở trường của mình là gì, mình muốn học ngành nào và chọn các trường đang đào tạo ngành đó để đăng ký rồi sắp xếp nguyện vọng từ 1 cho đến hết. Sau đó, đưa các thông tin đó lên phần mềm xét tuyển là xong và chờ đợi kết quả thông báo sau này” - bà Nguyễn Thị Kim Phụng khuyên.
Như vậy có thể thấy, với việc cho thí sinh đăng ký tối đa nguyện vọng, cơ hội trúng tuyển đại học của các em sẽ rất cao. Nhưng có nên vào đại học bằng mọi giá không nếu đó là trường, ngành nghề các em không thích thì lại là vấn đề cần suy nghĩ. Bởi vì theo số liệu điều tra xã hội học hàng năm tại các trường đại học thì có tới 10% - 15% sinh viên các trường đại học bỏ học sau 1 năm để thi lại vào trường mình ước mơ ban đầu. Đó là sự lãng phí ghê gớm cả về thời gian, tiền bạc của gia đình, xã hội. Chính vì vậy, thay vì cố chọn một ngành đại học nào đó để học, các em hãy lựa chọn một ngành mình đam mê ngay từ đầu. Còn nếu vẫn không thể đến với ngành mình đam mê, hoàn toàn có thể nuôi dưỡng đúng đam mê đó ở trường cao đẳng, trung cấp nghề.
Ngày 8-7, đại diện Bộ Công an cho biết, số hồ sơ sơ tuyển nộp về Học viện An ninh là trên 4.000 hồ sơ, trong khi chỉ tiêu hệ sĩ quan năm nay chỉ 260. Tuy nhiên, tỷ lệ này có thể thay đổi vì sau khi các thí sinh biết điểm thi của mình, các em điều chỉnh nguyện vọng. Dự kiến mức điểm chuẩn của học viên năm nay có thể sẽ tương đương hoặc cao hơn so với năm trước.
Các thí sinh đã nộp nguyện vọng 1 vào các trường công an, nếu không đủ điểm trúng tuyển thì vẫn có thể đăng ký nguyện vọng vào các trường công an đào tạo hệ dân sự (gồm Học viện An ninh, Học viện Cảnh sát nhân dân và Trường ĐH Phòng cháy chữa cháy).  

Tin cùng chuyên mục