Sáng 15-8, dự án Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến trong khuôn khổ phiên họp chuyên đề về pháp luật.
Tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, qua quá trình tích cực phối hợp, đến nay, những nội dung lớn của dự thảo pháp lệnh đều được nghiên cứu kỹ lưỡng, đạt sự đồng thuận cao giữa cơ quan trình dự án với cơ quan thẩm tra và các cơ quan có liên quan.
“Hồ sơ dự thảo pháp lệnh đã được Tòa án nhân dân tối cao (TANDTC) chuẩn bị nghiêm túc, kỹ lưỡng, đầy đủ theo quy định của Luật Ban bành văn bản quy phạm pháp luật và yêu cầu của UBTVQH, đủ điều kiện trình UBTVQH xem xét”, người đứng đầu Ủy ban Tư pháp nhấn mạnh.
Tuy nhiên, trong số các vấn đề cụ thể, Ủy ban Tư pháp còn có ý kiến khác nhau về thẩm quyền xử phạt của chủ tịch UBND các cấp. Đa số ý kiến thống nhất với cơ quan soạn thảo, đề nghị không quy định thẩm quyền xử phạt của chủ tịch UBND các cấp đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng. Tuy nhiên, một số ý kiến đề nghị bổ sung đồng thời thẩm quyền xử phạt cho chủ tịch UBND các cấp đối với một số hành vi cản trở hoạt động tố tụng.
Theo ý kiến này, các hành vi vi phạm hành chính cản trở hoạt động tố tụng tuy tác động đến hoạt động tố tụng nhưng xét về bản chất đều ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội, xâm phạm trật tự quản lý nhà nước, thuộc phạm vi quản lý của UBND. Do đó, việc giao cho cả UBND có thẩm quyền xử phạt là phù hợp.
Nếu không đồng thời giao thẩm quyền xử phạt cho chủ tịch UBND sẽ dẫn đến việc một số hành vi cản trở hoạt động tố tụng của cơ quan điều tra trong công an nhân dân, viện kiểm sát nhân dân ở địa phương có mức phạt tiền trên 20 triệu đồng đều phải chuyển lên các cơ quan có thẩm quyền thuộc Bộ Công an (vì giám đốc công an cấp tỉnh chỉ có thẩm quyền phạt đến 20 triệu đồng), dẫn đến nhiều bất cập trong việc bảo đảm thời hạn chuyển biên bản (trong 24 giờ), thời hạn ra quyết định xử phạt (10 ngày) theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Về việc phân định thẩm quyền xử phạt vi phạm đối với các hành vi cản trở hoạt động tố tụng, cơ quan thẩm tra đồng ý với cơ quan dự thảo, theo đó người có thẩm quyền xử phạt trong công an nhân dân có thẩm quyền xử phạt đối với: hành vi cản trở hoạt động tố tụng trong giai đoạn giải quyết nguồn tin về tội phạm; khởi tố, điều tra, truy tố của cơ quan, người có thẩm quyền trong công an nhân dân, VKSND, cơ quan điều tra của VKSND tối cao.
Người có thẩm quyền xử phạt trong Bộ đội biên phòng, Cảnh sát biển, Hải quan, Kiểm lâm, Kiểm ngư có thẩm quyền xử phạt đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền trong các cơ quan này ở giai đoạn giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra.
Người có thẩm quyền xử phạt trong tòa án nhân dân có thẩm quyền xử phạt đối với: hành vi cản trở hoạt động tố tụng kể từ thời điểm tòa án nhân dân nhận, thụ lý vụ án, vụ việc.
Người có thẩm quyền xử phạt trong tòa án quân sự có thẩm quyền xử phạt đối với: (1) Hành vi cản trở hoạt động tố tụng kể từ thời điểm tòa án quân sự nhận, thụ lý vụ án, vụ việc; (2) Hành vi cản trở hoạt động tố tụng trong giai đoạn giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra, truy tố của cơ quan, người có thẩm quyền trong viện kiểm sát quân sự, cơ quan điều tra của viện kiểm sát quân sự trung ương, các cơ quan có thẩm quyền điều tra trong quân đội nhân dân, trừ Bộ đội biên phòng và Cảnh sát biển.
Việc phân định thẩm quyền như nêu trên được coi là cơ bản phù hợp với lĩnh vực quản lý của từng cơ quan; phù hợp với thực tiễn hoạt động tố tụng và bảo đảm khả thi cho việc thực hiện quy trình, thủ tục xử phạt.