Ngày 6-7, HĐND TPHCM khóa X khai mạc kỳ họp thứ 6 (kỳ họp thường kỳ giữa năm) để thảo luận những vấn đề quan trọng về phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Chủ tọa kỳ họp có các đồng chí: Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM; Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch HĐND TPHCM.
Đến tham dự kỳ họp có các đồng chí: Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM; Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực, Chủ tịch UBND TPHCM, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM; Nguyễn Hồ Hải, Phó Bí thư Thành ủy; Phan Nguyễn Như Khuê, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM; Tô Thị Bích Châu, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM; Phan Thị Thắng, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND TPHCM.
Tại kỳ họp, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Phan Thị Thắng báo cáo tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ, giải pháp 6 tháng cuối năm 2022; báo cáo kết quả triển khai thực hiện Nghị quyết 54 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM; báo kết quả giải quyết kiến nghị cử tri từ kỳ họp thứ 4 đến trước kỳ họp thứ 6 HĐND TPHCM khóa X, cùng với đó là trình bày các tờ trình của UBND TPHCM.
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Phan Thị Thắng phát biểu tại kỳ họp thứ 6 HĐND TPHCM khóa X. Ảnh: VIỆT DŨNG
Về kết quả triển khai thực hiện Nghị quyết 54 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM, Phó Chủ tịch UBND TPHCM cho biết, kết quả triển khai Nghị quyết 54 có hiệu quả, đạt được một số kết quả tích cực. Dù vậy, một số nội dung triển khai Nghị quyết 54 còn chậm so với dự kiến.
Phó Chủ tịch UBND TPHCM cho biết, nguyên nhân do có ý kiến khác nhau giữa các bộ, ngành; một số vấn đề mới, phức tạp, có tác động lớn, lâu dài, khi triển khai cụ thể cần nghiên cứu kỹ trước khi xem xét, quyết định.
Cùng với đó, trong 2 năm đầu kể từ khi Nghị quyết 54, TPHCM đã triển khai rất quyết liệt nhưng chủ yếu là công tác chuẩn bị. Sau đó, TPHCM bị ảnh hưởng rất lớn bởi dịch Covid-19. Trước tình hình này, TPHCM đã nỗ lực huy động cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân triển khai khẩn trương “nhiệm vụ kép” vừa tập trung phòng, chống dịch bệnh vừa thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Trong bối cảnh vô cùng khó khăn đó, mặc dù TPHCM đã có các bước chuẩn bị cho việc ban hành các loại phí, lệ phí hoặc tăng mức thuế hoặc thuế suất nhưng buộc phải dừng việc xem xét các đề xuất này.
Trong khi đó, cơ chế tài chính chưa được phát huy như mong đợi. TPHCM chưa có đủ nguồn vốn đáp ứng nhu cầu đầu tư hạ tầng ngày càng gia tăng. Hơn 4 năm qua, không phát sinh khoản thu tiền sử dụng đất khi bán các tài sản công của các đơn vị Trung ương ở TPHCM. Do đó, TPHCM chưa được hưởng 50% khoản tiền này để đầu tư hạ tầng kinh tế - xã hội thuộc nhiệm vụ đầu tư công của thành phố.
TPHCM cũng chưa có nguồn thu từ cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước do việc thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp các năm trước gặp vướng mắc do thiếu quy định hướng dẫn về phương án sử dụng đất của doanh nghiệp khi cổ phần hóa. Điều này dẫn đến TPHCM chưa có cơ sở để thực hiện phê duyệt phương án sử dụng đất doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa làm cơ sở thực hiện các bước tiếp theo trong quy trình thực hiện cổ phần hóa.
Bên cạnh đó, chi trả thu nhập tăng thêm căn cứ vào số ngày làm việc thực tế của cán bộ, công chức, viên chức khi triển khai còn một số khó khăn, vướng mắc do thời gian làm việc theo quy định riêng của mỗi ngành, lĩnh vực là khác nhau; đặc biệt là một số ngành, lĩnh vực đặc thù (giáo dục và đào tạo, y tế, bảo trợ xã hội, văn hóa, nghệ thuật - thể dục, thể thao...).
Đồng thời, việc thu hút chuyên gia, nhà khoa học và người có tài năng đặc biệt đòi hỏi sự thận trọng trong xây dựng cơ chế tổ chức thực hiện nên thời gian xây dựng quy trình cần nhiều thời gian nghiên cứu, hoàn thiện.
Theo đồng chí Phan Thị Thắng, trong bối cảnh hiện nay đòi hỏi cần thiết phải có một nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54, qua đó tạo điều kiện khơi thông nguồn lực phát triển TPHCM trong giai đoạn tới.
Các đồng chí lãnh đạo quận huyện dự kỳ họp thứ 6 HĐND TPHCM khóa X. Ảnh: VIỆT DŨNG
Trước đó, Phó Chủ tịch UBND TPHCM cũng đã báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội TPHCM 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm 6 tháng cuối năm. Theo đó, trong 6 tháng đầu năm, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn ước tăng 3,82%.
Từ mức giảm sâu ở quý 3 và 4 năm 2021 lần lượt là -24,97% và -11,64%, đến quý 1 và 2 năm 2022 tăng lần lượt lên 1,88% và 5,73%. Đặc biệt, tốc độ tăng trưởng quý 2 tăng hơn 3 lần so với quý 1, cho thấy kinh tế Thành phố phục hồi sớm hơn kỳ vọng. Tổng thu ngân sách nhà nước thực hiện 6 tháng đầu năm ước đạt 238.000 tỷ đồng (đạt 61,7% dự toán năm và tăng 17,5% so cùng kỳ).
Lãnh đạo UBND TPHCM xác định, 6 tháng cuối năm tiếp tục thực hiện các biện pháp phục hồi kinh tế, khắc phục nhanh các tồn tại, hạn chế. Trong đó, đảm bảo thích ứng, an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19; thành lập và đưa vào hoạt động Trung tâm mua sắm hàng hoá của ngành y tế TPHCM; cùng với đó là nhiều giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm.
Trong đó, TPHCM rà soát, tập trung triển khai kế hoạch cải cách hành chính TPHCM năm 2022; xây dựng giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức đi đôi với công tác khuyến khích, bảo vệ cán bộ, công chức làm đúng, dám nghĩ, dám làm, năng động, sáng tạo vì lợi ích chung.
Đồng thời, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong giải ngân vốn đầu tư công, rà soát việc phân bổ kế hoạch vốn cho các dự án phù hợp với tiến độ thực hiện. TPHCM cũng thành lập các tổ công tác nhằm kịp thời giải quyết khó khăn, đẩy nhanh tiến độ đối với từng loại, lĩnh vực các dự án…