Vấn đề này được coi là nhạy cảm ở Ba Lan, quốc gia sẽ có các cuộc bầu cử vào tháng 10 và nông dân là bộ phận cử tri quan trọng. Trước đó, Ủy ban châu Âu (EC) đã kêu gọi Ba Lan, Hungary và Slovakia có thái độ mang tính xây dựng sau khi 3 quốc gia này đơn phương tuyên bố sẽ tiếp tục cấm nhập khẩu ngũ cốc từ Ukraine, bất chấp quyết định của EC về việc chấm dứt lệnh cấm này.
Ukraine là một trong những nhà xuất khẩu ngũ cốc hàng đầu thế giới, trước khi chiến dịch quân sự của Nga năm 2022 đã làm suy giảm khả năng giao hàng nông sản của Kiev tới thị trường toàn cầu thông qua các cảng ở Biển Đen. Kể từ khi xung đột nổ ra đến nay, nông dân Ukraine phải trông cậy vào các quốc gia láng giềng để xuất khẩu ngũ cốc. Tuy nhiên, ngũ cốc và hạt có dầu tràn ngập vào các nước láng giềng đã làm ảnh hưởng đến thu nhập của người nông dân, dẫn đến việc chính phủ các nước này cấm nhập khẩu nông sản từ Ukraine.
Tháng 5 vừa qua, EU đã vào cuộc để ngăn chặn từng quốc gia hành động đơn phương và áp đặt lệnh cấm nhập khẩu ngũ cốc Ukraine vào các nước láng giềng. Theo quyết định của EU, Ukraine được phép xuất khẩu thông qua các quốc gia này, với điều kiện sản phẩm phải được bán ở những nơi khác. EU cho phép lệnh cấm này hết hiệu lực vào ngày 15-9, sau khi Ukraine cam kết thực hiện các biện pháp nhằm thắt chặt kiểm soát xuất khẩu sang các nước láng giềng.
Không chỉ Ba Lan, Hungary và Slovakia, nông dân Romania hôm 16-9 đã yêu cầu chính phủ nước này đơn phương cấm nhập khẩu ngũ cốc và các nông phẩm khác của Ukraine sau khi EC quyết định dỡ bỏ các hạn chế. Romania là một trong 5 quốc gia phía Đông EU chứng kiến sự gia tăng nhập khẩu ngũ cốc từ Ukraine sau khi xung đột bùng phát.
Theo người phát ngôn của EC, trọng tâm hiện nay của Brussels là áp dụng và vận hành hệ thống mới vừa được công bố, và nhấn mạnh rằng “điều quan trọng hiện nay là tất cả các quốc gia cần hành động trên tinh thần thỏa hiệp và tham gia mang tính xây dựng”.