Nội dung diễn đàn xoay quanh giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục nghề nghiệp.
PGS-TS Lê Anh Vinh, Phó Viện trưởng Viện Khoa học giáo dục Việt Nam, cho rằng, nhìn lại giáo dục Việt Nam trong giai đoạn 2011 đến nay, chúng ta có rất nhiều kết quả đáng tự hào. Ông sử dụng 3 chữ C để tóm lược những kết quả nói trên. Chữ C thứ nhất là “cam kết”.
Theo đó, GD-ĐT luôn là quốc sách hàng đầu trong các văn bản chiến lược. Mức đầu tư công của Việt Nam đối với giáo dục luôn bảo đảm 20% tổng chi ngân sách nhà nước, chiếm khoảng 5,8% GDP, nằm trong mức cao so với các nước trong khu vực.
Chữ C thứ hai là “công bằng” khi Việt Nam đã đạt được mục tiêu phổ cập giáo dục tiểu học từ những năm 2000, cấp THCS vào năm 2010 và phổ cập mầm non cho trẻ 5 tuổi vào năm 2017. Tỷ lệ nhập học của học sinh có điều kiện khó khăn, dân tộc thiểu số cũng ngày càng được cải thiện.
Chữ C thứ ba là “chất lượng”, thể hiện qua các kết quả của Việt Nam trong các kỳ đánh giá quốc tế PISA, hay trong các cuộc thi Olympic các môn khoa học hàng năm.
Tuy nhiên, theo ông Vinh, học sinh Việt Nam vẫn bị đánh giá là thiếu hụt về kỹ năng và động lực học tập, do sự chênh lệch giữa giáo dục trong nhà trường và yêu cầu thực tiễn. Giáo dục đạo đức, lối sống cũng còn nhiều hạn chế. Những vấn đề này không chỉ là vấn đề trong phạm vi của nhà trường, mà của cả gia đình và toàn xã hội, cần sự chung tay để giải quyết các vấn đề này. Việt Nam cần một nền giáo dục có thể đáp ứng được yêu cầu của thế giới hiện đại, những công dân Việt Nam sáng tạo, có khả năng thích nghi và thích ứng cao. Những yêu cầu đó chỉ có thể đạt được qua những trải nghiệm giáo dục mang tính cá nhân hóa, nhằm tập trung phát huy tối đa năng lực của mỗi cá nhân.