Tại đây, các đại biểu đã chia sẻ thẳng thắn, nhận diện các vấn đề bất cập, vướng mắc trong công tác hội nhập kinh tế, nhất là việc triển khai ở cấp địa phương, ngành nghề, DN và các định chế hỗ trợ.
Theo ông Phạm Bình An, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ hội nhập quốc tế TPHCM, Việt Nam hiện là thành viên của hầu hết các tổ chức quốc tế lớn, tham gia ký kết, thực thi và đang đàm phán 16 hiệp định thương mại tự do (FTA). Đây là thành công lớn của Việt Nam trong tiến trình mở cửa và hội nhập nền kinh tế.
Các FTA mà Việt Nam đã tham gia, ký kết tạo hiệu ứng tích cực, thúc đẩy cải cách và tái cấu trúc nền kinh tế cũng như tạo điều kiện thương mại thuận lợi từ các đối tác để Việt Nam khai thác tốt hơn lợi thế so sánh. Tư duy của người dân và DN đã thay đổi một cách tích cực trong thời gian qua, hoạt động kinh doanh mang tính chiến lược dài hạn đã được hình thành trong các DN thay vì tư duy tự phát như trước đây. Đây là những giá trị mang tính cốt lõi, tạo nền tảng cho sự phát triển về sau này, thay vì những giá trị thể hiện trước mắt như tăng trưởng xuất khẩu, thu hút đầu tư nước ngoài.
Nhìn nhận về kết quả thực hiện, đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho rằng, dù Việt Nam đã ký FTA với 60 nền kinh tế, chiếm tới 90% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước nhưng thực tế mới chỉ có khoảng trên dưới 40% DN nắm bắt được các cơ hội do FTA mang lại. Con số này thấp hơn nhiều so với kỳ vọng cũng như mức độ mở cửa và thực thi các cam kết.
Bà Nguyễn Thị Hồng Minh, Chủ tịch Hiệp hội DN thực phẩm minh bạch, băn khoăn, hội nhập kinh tế, tham gia các FTA không chỉ đơn thuần là việc cắt giảm thuế quan mà cần phải đi sâu vào nhiều mặt, trong đó việc ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ và tạo điều kiện tốt nhất cho DN phát triển mới chính là vấn đề cốt lõi của hội nhập nhưng chúng ta chưa làm tốt điều này. Nguyên nhân chính là các vấn đề hội nhập mới chỉ đề cập ở tầm vĩ mô, chưa tạo điều kiện để khuyến khích các hiệp hội phát huy vai trò làm cầu nối giữa các DN, tạo sức mạnh tổng thể.
Nhìn lại, hầu hết các chương trình và các hiệp hội hoạt động hiệu quả đều nhờ vào sự tài trợ của các tổ chức nước ngoài chứ không phải từ Chính phủ hoặc từ các cơ chế chính sách, trong đó trường hợp của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) là một ví dụ. Nếu không nhờ Thụy Điển và các tổ chức nước ngoài tài trợ thì chúng ta đã không có được một VASEP lớn mạnh như hiện nay.
“Trong lĩnh vực nông nghiệp, hiện có rất nhiều vấn đề cần phải làm, từ việc hỗ trợ, tập huấn cho nguời dân chuyển đổi mô hình sản xuất, tiếp cận được công nghệ đến việc tìm thị trường cho sản phẩm nhưng các chính sách cứ ở đâu đâu, không tác động trực tiếp đến cộng đồng DN. Nếu chúng ta cứ mãi như thế này thì DN FDI và các đại gia sẽ thâu tóm hết”, bà Hồng Minh lo lắng.
Tại cuộc họp, nhiều ý kiến thống nhất cần có sự phân vai thật cụ thể các vấn đề liên quan đến hội nhập, trong đó nhà nước phải tạo dựng một khung pháp lý đầy đủ, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, tạo cơ hội rõ ràng cho DN. Nên rà soát lại tất cả các FTA đã và sẽ tham gia xem chúng ta có lợi thế nào, ngành hàng nào có ưu thế, từ đó xây dựng các cơ chế, chính sách phù hợp theo hướng “chọn - bỏ” thay vì “chọn - cho” như hiện nay.
Một trong những yếu tố quan trọng trong FTA chính là xuất xứ hàng hóa và thực hiện truy xuất nguồn gốc cũng cần được thể chế bằng các cơ chế chính sách thật cụ thể, chi tiết cho DN thực hiện. Để làm được điều này, đã đến lúc Việt Nam cần một bộ máy chuyên nghiệp về hội nhập. Nếu chúng ta cứ mãi hội nhập theo các văn bản tản mạn từ bộ, ngành đến các địa phương sẽ rất khó “đi nhanh, đi xa” được.
Với các DN, cần chủ động hơn nữa trong việc nắm bắt các cơ hội từ việc cắt giảm thuế quan để tăng lượng hàng xuất khẩu. Trong hội nhập, các hiệp hội đóng vai trò quyết định sự thành bại nên các DN cần tăng cường liên kết để xây dựng và phát triển các hiệp hội ngành hàng đủ mạnh, vừa để bảo vệ quyền lợi trực tiếp cho DN vừa giúp DN tìm hiểu và vận dụng tốt các cam kết trong quá trình mở rộng, đa dạng hóa thị trường và lựa chọn cơ hội kinh doanh.