Hội thảo giáo dục 2017 về chất lượng giáo dục phổ thông (GDPT) do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội tổ chức kết thúc cuối giờ chiều 22-9.
Hết một ngày thảo luận, thầy Nguyễn Xuân Khang - Hiệu trưởng Trường Marie Curie Hà Nội thẳng thắn cho rằng, cần có một báo cáo thẳng, thật về giáo dục Việt Nam. “Một báo cáo "dậy sóng" khiến cho không chỉ ngành giáo dục mà cả xã hội đều bị thuyết phục. Chứ không phải là cái báo cáo "hiền" như Bộ GD-ĐT đã báo cáo tại hội thảo lần này. Phải nói rõ, nói thật thì mới tìm ra được giải pháp đúng”, thầy Khang nói.
Ý kiến này nhận được sự ủng hộ của nhiều đại biểu.
TS toán học Lê Thống Nhất cũng đặt câu hỏi: "Luôn có tình trạng Bộ GD-DT luôn đánh giá tốt (chất lượng GDPT, PISA, VNEN..) nhưng xã hội lại không đánh giá vậy. Làm sao để trên - dưới đều có cùng đánh giá về chất lượng giáo dục”, ông Nhất nói.
GS Lê Quang Minh (từng là Hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ, hiện đang làm tại Trung tâm Đào tạo quản lý tiên tiến, Viện Quản trị đại học, ĐHQG TPHCM) cho rằng, có sự khác biệt lớn trong quan điểm về "chất lượng giáo dục" giữa nhà nước, địa phương, nhà trường, phụ huynh và giáo viên. Trong khi Nhà nước nhìn nhận chất lượng nằm ở mục tiêu chiến lược phát triển đất nước, quan điểm toàn diện, các tiêu chuẩn khu vực và quốc tế, tỷ lệ đạt chuẩn… thì đối với địa phương, chất lượng phải là đạt các chuẩn quốc gia, các chỉ tiêu "được trên giao".
Đối với nhà trường, chất lượng là đạt chuẩn các kỳ thi quốc gia, các chỉ tiêu địa phương đề ra. Còn phụ huynh lại quan tâm tới điểm số, thứ hạng và việc con em mình có đỗ đại học hay không. “Điển hình là việc triển khai mô hình trường học mới Việt Nam VNEN. Với nhà quản lý giáo dục thì mục tiêu của VNEN là tuyệt vời, còn phụ huynh thì đâu có quan tâm tới điều đó. VNEN nhắm đến phát triển kỹ năng nhận thức, còn phụ huynh phản đối VNEN vì lo sợ con em mình điểm kém trong các kỳ thi, nhất là thi tốt nghiệp và thi đại học" - ông Minh nói.
Phản hồi những ý kiến đặt ra từ hội thảo, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thị Nghĩa cho rằng, chất lượng GDPT liên quan nhiều yếu tố, như đội ngũ nhà giáo, cơ sở vật chất, công tác quản lý và cả bối cảnh kinh tế - xã hội. Chương trình GDPT hiện hành đã triển khai, thực hiện được 17 năm, cần thay đổi bằng chương trình mới và đã được Nghị quyết 88 của Quốc hội thông qua. Chương trình GDPT mới tới đây tập trung đề ra những chuẩn kiến thức, kỹ năng và quy định cụ thể về nội dung chương trình và phương pháp. Chương trình đó thống nhất trong toàn quốc. Nội dung chương trình GDPT mới bảo đảm định hướng thống nhất và những nội dung giáo dục cốt lõi, bắt buộc đối với học sinh toàn quốc, đồng thời trao quyền chủ động và trách nhiệm cho địa phương và nhà trường trong việc lựa chọn, bổ sung một số nội dung giáo dục và triển khai kế hoạch giáo dục phù hợp với đối tượng giáo dục và điều kiện của địa phương, của cơ sở giáo dục.
“Hiện tại, Bộ GD-ĐT đã tăng cường các điều kiện vật chất, đội ngũ để việc triển khai chương trình mới; trong đó điều quan trọng nhất là phát triển năng lực đội ngũ qua bồi dưỡng, tập huấn”, Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa chia sẻ.