Sáng 5-10, Học viện Chính trị Khu vực II và Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển cộng đồng nông thôn tổ chức hội thảo “Chính sách đất đai trong nông nghiệp, góp ý dự thảo Luật đất đai (sửa đổi)”.
PGS.TS Nguyễn Quốc Dũng, Giám đốc Học viện Chính trị Khu vực II và TS Phan Văn Ngọc, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển cộng đồng nông thôn, đồng chủ trì hội thảo.
Tại hội thảo, các đại biểu thống nhất quan điểm, đất đai là chủ quyền, lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc. Luật Đất đai là đạo luật quan trọng, phức tạp và rất nhạy cảm. Việc tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật nói chung và hoàn thiện thể chế, pháp luật đất đai nói riêng đóng vai trò quan trọng, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng tài nguyên đất đai - nguồn lực, nguồn vốn to lớn để phát triển đất nước.
Các đại biểu cũng tập trung thảo luận các vấn đề còn bất cấp trong dự thảo Luật Đất đai, các vấn đề liên quan đến quy tụ đất đai. Thạc sĩ Trương Quốc Cần, Viện trưởng viện Tư vấn Phát triển kinh tế xã hội nông thôn và miền núi, cho rằng, dự thảo Luật Đất đai có xu hướng giảm về mặt các văn bản, thủ tục hành chính nhưng các cơ chế giám sát đi kèm chưa tương ứng. Việc thông tin đất đai cũng chưa thực sự cởi mở. Quyền giám sát của công dân đã được quy định về mặt nguyên tắc nhưng chưa được thể hiện đầy đủ; cơ chế giám sát của Quốc hội, HĐND các cấp cũng chưa rõ ràng.
Cũng theo Thạc sĩ Trương Quốc Cần, hiện chúng ta mở rộng khá nhiều nội dung liên quan đến giới hạn về nhượng quyền sử dụng đất, sự tham gia của các nhà đầu tư hoặc các chủ thể không trực tiếp tham gia sử dụng đất nông nghiệp. Đây là nội dung mới nhưng nếu không có cơ chế để đảm bảo an ninh xã hội cho các nhóm yếu thế thì sẽ không thể giải phóng được nguồn lực đất đai. “Một trong những nguyên nhân lớn nhất là động lực để người dân rời bỏ đất nông nghiệp, nếu không giải quyết được vấn đề an sinh xã hội thì việc giải phóng đất nông nghiệp để các chủ đầu tư vào khai thác rất khó”, Thạc sĩ Trương Quốc Cần nhấn mạnh.
Góp thêm ý kiến tại hội thảo, PGS.TS Nguyễn Quốc Dũng, Giám đốc Học viện Chính trị Khu vực II, cho rằng, bên cạnh việc tìm giải pháp để phát huy được nguồn lực đất đai thì phải làm sao để đời sống người nông dân được cái thiện, phải giúp họ làm giàu trên mảnh đất của họ.
Trong khi đó, PGS.TS Nguyễn Quang Tuyến, Đại học Luật Hà Nội, trăn trở, trong quy hoạch về chế độ sử dụng các loại đất không có điều nào nói về đất giáo dục, y tế. Một điểm nữa mà PGS.TS Nguyễn Quang Tuyến quan tâm là trong Luật Đất đai có quy định chuyển từ đất nông nghiệp sang phi nông nghiệp, còn ngược lại thì không thấy nói đến, điều này sẽ gây lúng túng khi triển khai thực hiện một số nội dung.
Ngoài ra, các đại biểu cũng đề cập đến nhiều nội dung còn bất cập và đề xuất phương án điều chỉnh. Đó là, chưa tạo ra được cơ chế đủ mạnh để có thể khắc phục được những vướng mắc hiện nay trong việc giải quyết các vấn đề đất đai cho đồng bào dân tộc thiểu số. Vấn đề bình đẳng giới trong tiếp cận, quản lý, sử dụng đất đai cần được diễn giải rõ hơn và lồng ghép xuyên suốt trong một số nội dung liên quan. Việc mở rộng đối tượng và hạn mức nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp cũng cần phải đi kèm với các điều kiện, quy định hạn chế nhằm bảo vệ quyền với đất đai của các nhóm yếu thế trong các tiến trình chuyển dịch đất đai…
Phát biểu tổng kết hội thảo, TS Phan Văn Ngọc, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Cộng đồng nông thôn, nhận xét, các tham luận và ý kiến thảo luận tại hội thảo rất thiết thực, có ý nghĩa lớn trong việc đóng góp ý kiến cùng hoàn thiện Luật Đất đai phù hợp nhất với sự phát triển chung của cả nước. TS Phan Văn Ngọc khẳng định, hội thảo sẽ tổng hợp đầy đủ các ý kiến để trình cho cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu, xem xét trong quá trình hoàn thiện dự thảo Luật Đất đai.
Nghị quyết 18 Hội nghị Trung ương 5 của Ban Chấp hành Trung ương về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao có 8 điểm mới. Đó là, hoàn thành sửa đổi Luật Đất đai năm 2013 và các luật khác có liên quan đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Cụ thể, Ban Chấp hành Trung ương yêu cầu đến năm 2023 phải hoàn thành sửa đổi Luật Đất đai và một số luật liên quan, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất. Thêm một điểm mới là bỏ khung giá đất, có cơ chế, phương pháp xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường; đánh thuế cao hơn đối với người sở hữu nhiều nhà, đất; giao đất, cho thuê đất chủ yếu thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất. Đặc biệt, việc bồi thường, hỗ trợ tái định cư phải bảo đảm tốt hơn việc bảo hộ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân bị thu hồi đất; mở rộng đối tượng, hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp. |