Trong những cuộc tiếp xúc cử tri các huyện ngoại thành Củ Chi, Hóc Môn vừa qua, khi đề cập đến kết quả bước đầu thực hiện cuộc vận động “Người dân TPHCM không xả rác ra đường và kênh rạch, vì thành phố sạch và giảm ngập nước”, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM, đều nói: “Trước tiên, mỗi cán bộ, công chức, đảng viên và gia đình phải gương mẫu làm trước và cộng đồng trách nhiệm với các tổ chức đoàn thể chính trị, xã hội ở địa bàn dân cư tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực hưởng ứng, tham gia. Cùng với đó là phân công trách nhiệm của từng cá nhân, tổ chức đảm trách từng ngõ hẻm, tuyến đường, khu xóm, ấp, từng hộ gia đình, tuyên truyền người dân không xả rác ra đường và kênh rạch, giữ vệ sinh môi trường xanh, sạch, đẹp”.
Lời kêu gọi trên của đồng chí Bí thư Thành ủy gợi mở phương thức và cách làm trong công tác tổ chức thực hiện cuộc vận động xã hội đầy ý nghĩa này. Cùng với đó là sự vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền, các tổ chức đoàn thể chính trị, xã hội gắn công tác vận động, tuyên truyền với thường xuyên kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về môi trường.
Theo phản ánh của người dân, công tác kiểm tra, xử phạt không chỉ về hành vi vi phạm môi trường, mà nhiều lĩnh vực khác từ trước đến nay còn rất yếu. Lĩnh vực nào cũng được pháp luật điều chỉnh bằng những quy định xử phạt rất rõ ràng, nhưng việc kiểm tra, xử lý thì hầu như bỏ ngỏ.
Cụ thể như hành vi vứt rác không đúng nơi quy định tại chung cư, nơi công cộng, theo Nghị định 155/201 thì mức xử phạt là 3 - 5 triệu đồng; vứt rác thải sinh hoạt trên vỉa hè, đường phố hoặc vào hệ thống thoát nước thải đô thị, phạt tiền 5 - 7 triệu đồng.
Hoặc theo Nghị định 167/2013, hành vi không quét dọn rác, khai thông cống rãnh trong và xung quanh nhà ở, cơ quan gây mất vệ sinh chung, phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền 100.000 - 300.000 đồng; đổ nước hoặc để nước chảy ra khu tập thể, lòng đường, vỉa hè làm mất vệ sinh chung, phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền 100.000 - 300.000 đồng…
Quy định pháp luật là vậy, nhưng trong thực tế rất ít trường hợp vi phạm bị phát hiện, xử lý. Điều này đã làm giảm tính nghiêm minh của pháp luật, không có tác dụng răn đe, ngăn ngừa các hành vi vi phạm pháp luật về môi trường trong xã hội.
Kinh nghiệm tại Singapore những năm 1960 cho thấy, để khắc phục được hành vi khạc nhổ không đúng quy định, nước bạn phải mất 3 năm vừa tuyên truyền, vận động, vừa thường xuyên kiểm tra, phát hiện, xử phạt tiền rất cao cộng với các hình phạt bổ sung khác.
Với hành vi xả rác nơi công cộng, họ cũng mất đến 4 năm kiên trì tuyên truyền, xử phạt, mới hình thành được thói quen không xả rác trong người dân. Với nước ta, nếu kiên trì làm và kiên quyết xử lý theo các mức xử phạt mà pháp luật quy định, ý thức người dân sẽ từng bước được nâng lên, tiến tới cả xã hội cùng nói “không” với hành vi xả rác, gây ô nhiễm môi trường.