Theo đại biểu Trần Tuấn Lợi (đơn vị quận Cẩm Lệ), qua giám sát, các tổ chức hành nghề công chứng vẫn còn để xảy ra tình trạng "ký gửi, ký chờ" hoặc chi phần trăm hoa hồng cho các ngân hàng, dịch vụ. Về vấn đề này, Sở Tư pháp đã có văn bản chấn chỉnh, nhưng vẫn xảy ra.
Điều này dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh giữa các tổ chức hành nghề công chứng, việc thất thu thuế cho ngân sách thành phố và tội phạm lợi dụng để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Đại biểu đề nghị Sở Tư pháp có giải pháp trong thời gian đến để chấn chỉnh, chấm dứt tình trạng trên.
Đề cập vấn đề này, bà Trần Thị Kim Oanh, Giám đốc Sở Tư pháp Đà Nẵng cho biết, hiện có 34 tổ chức hành nghề công chứng đang hoạt động, trong đó có 3 Phòng Công chứng, 31 Văn phòng công chứng với tổng số 79 công chứng viên đang hành nghề.
Bên cạnh việc thanh tra, kiểm tra, Sở Tư pháp đã chủ trì, phối hợp với Sở TN-MT, Cục Thuế thành phố, Công an thành phố và các cơ quan liên quan, xây dựng và trình UBND TP Đà Nẵng ban hành Quyết định số 2543/QĐ-UBND ngày 20-11-2023 về ban hành Quy chế phối hợp về chống thất thu thuế trong hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản trên địa bàn Đà Nẵng.
Năm 2023, Sở Tư pháp tổ chức kiểm tra 5 tổ chức hành nghề công chứng. Qua kiểm tra, Sở nhắc nhở một số hoạt động; ban hành 3 quyết định xử phạt hành chính với tổng số tiền phạt là 31 triệu đồng.
Thời gian đến, Sở Tư pháp tăng cường công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực công chức; tăng cường thanh tra, kiểm tra để răn đe phòng ngừa vi phạm; giáo dục tuyên truyền về cạnh tranh không lành mạnh trong hoạt động công chứng.
Tiếp tục chất vấn, theo đại biểu Lương Công Tuấn, đơn vị quận Hải Châu, qua giám sát, thực trạng “ký gửi, ký chờ” diễn ra là sự thật và rất phức tạp. Thực tế để lại hậu quả thất thu thuế rất lớn và dễ dẫn đến lừa đảo và rủi ro trong quá trình chuyển nhượng và nhận chuyển nhượng, làm méo mó thị trường bất động sản và cạnh tranh không lành mạnh giữa các tổ chức hành nghề.
Sở Tư pháp phải phối hợp với Công an thành phố để có biện pháp nghiệp vụ đối với những hồ sơ “ký gửi, ký chờ” để nắm rõ hoạt động này, từ đó có giải pháp mạnh nhằm hạn chế được vấn đề này.
“Sở Tư pháp phải phối hợp với Công an thành phố để có biện pháp nghiệp vụ đối với những hồ sơ “ký gửi, ký chờ” để nắm rõ hoạt động. Các hồ sơ này không để ở văn phòng công chức đâu nên chúng ta phải kiểm tra, từ đó có giải pháp mạnh nhằm hạn chế được vấn đề này”, đại biểu Lương Công Tuấn nhấn mạnh.
Theo ông Lương Nguyễn Minh Triết, Chủ tịch HĐND Đà Nẵng, các giải pháp triển khai, từ quy chế phối hợp, việc kiểm tra, thanh tra, xử phạt vi phạm, nhưng liệu có đủ quyết liệt, hiệu quả để giảm nhanh, giảm ngay tình trạng cạnh tranh không lành mạnh không? Từ đó, ông đề nghị, Sở Tư pháp cần có biện pháp phát huy hiệu quả công tác quản lý hoạt động công chứng trên địa bàn thành phố.
“Thực trạng ký gửi, ký chờ thì mua 10 đồng bớt lại mua 2 đồng hay 3 đồng. Người bán cũng có lợi mà người mua cũng có lợi. Chỉ có Nhà nước bị thiệt. Cạnh tranh không lành mạnh giữa các văn phòng công chứng với nhau, đây là thực trạng. Trong khi đó, đơn thư liên quan văn phòng công chứng gửi lãnh đạo thành phố cũng nhiều lắm”, ông Lương Nguyễn Minh Triết cho biết.