Theo đại diện Tổng cục Du lịch Việt Nam, ngày 15-3 tới sẽ là thời điểm mở cửa lại hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới. Với việc dỡ bỏ toàn bộ các hạn chế đối với hoạt động bay quốc tế, ngành hàng không được đánh giá là đã “đi trước một bước”, giúp ngành du lịch không bị chậm chân trong cuộc cạnh tranh thu hút du khách quốc tế. Thậm chí, nhiều chuyên gia cho rằng, nếu chuẩn bị kỹ, Việt Nam còn có thể chiếm lĩnh thêm nhiều thị trường mới, khách hàng mới.
Tuy nhiên, theo nhận định của các chuyên gia, để khôi phục lại các đường bay quốc tế như thời điểm trước dịch không phải là dễ.
Ông Bùi Minh Đăng, Phó trưởng Phòng Vận tải (Cục Hàng không Việt Nam) cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, tần suất khai thác các đường bay quốc tế đi, đến Việt Nam là 370 chuyến/tuần/chiều, tương đương 53 chuyến bay/chiều/ngày, chưa bằng 10% thời điểm trước khi có dịch Covid-19 (4.185 chuyến/tuần/chiều, tương đương 598 chuyến/chiều/ngày).
Hiện mới có 20 quốc gia và vùng lãnh thổ mở lại đường bay quốc tế đến Việt Nam; còn 8 quốc gia chưa mở lại là Brunei, Ấn Độ, Indonesia, Myanma, Phần Lan, Ý, Thụy Sỹ và Macau.
Đặc biệt, sau gần 2 tháng mở lại các đường bay quốc tế, các hoạt động khai thác quốc tế thường lệ mới chỉ đến Hà Nội, TPHCM. Các điểm đến du lịch, đặc biệt là khu vực miền Trung vẫn chưa có.
Một số thị trường kỳ vọng như Hàn Quốc, từng đạt số lượng 10 triệu hành khách vào năm 2019 đã được khôi phục nhưng số lượng khách còn hạn chế. Thị trường Trung Quốc từng đạt số lượng hơn 7 triệu hành khách quốc tế vào năm 2019 hiện chưa thể khai thác trở lại, do quốc gia này đang có chính sách phòng dịch nghiêm ngặt.
Để sớm khôi phục được hoạt động bay quốc tế như thời điểm trước dịch, ông Bùi Doãn Nề, Tổng Thư ký Hiệp hội doanh nghiệp vận tải hàng không cho rằng, ngành hàng không Việt Nam còn phải vượt qua nhiều thử thách. Trước mắt, việc khôi phục lại nhiều dịch vụ hàng không sau thời gian dài tạm ngừng hoặc bị hạn chế cần có thời gian.
Việc khôi phục dịch vụ cũng sẽ làm tăng chi phí, mâu thuẫn với nhu cầu kích cầu đi lại trong bối cảnh kinh tế khó khăn. Bên cạnh đó, các hãng hàng không Việt còn phải đối diện với sự cạnh tranh lớn trên thị trường, khi các quốc gia đều đồng loạt mở cửa hàng không và có sự hỗ trợ tích cực cho các hãng.
Chuyên gia kinh tế Trần Đình Thiên cũng nhấn mạnh về việc Chính phủ đã rất quyết tâm đồng hành cùng doanh nghiệp trong quá trình phục hồi và phát triển sau đại dịch Covid-19. Vấn đề là các doanh nghiệp cũng phải chủ động khắc phục khó khăn, kiến nghị chính xác, kịp thời những vướng mắc để được hỗ trợ và tháo gỡ.