Thế nhưng, để làm được điều đó, Chính phủ và các bộ, ngành còn phải làm nhiều hơn nữa để đạt được mục đích này. Phóng viên Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với ông Hoàng Minh Trí, nguyên Viện trưởng Viện Quy hoạch Xây dựng TPHCM, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM - một trong những chuyên gia nêu ra ý kiến trên.
- PV: Thưa ông, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về chấn chỉnh công tác lập, quản lý quy hoạch xây dựng đô thị là rất kịp thời trong bối cảnh hiện nay - khi mà còn nhiều địa phương chưa làm tốt công tác này?
>> Ông HOÀNG MINH TRÍ: Ở góc độ chuyên gia, làm việc lâu năm trong lĩnh vực xây dựng đô thị, tôi cho rằng đây là chỉ thị cần thiết nhưng tiếc rằng chưa đủ. Bởi lẽ, trong hầu hết các luật liên quan đến quản lý, xây dựng, phát triển đô thị như Luật Xây dựng, Luật Đất đai, Luật Nhà ở… thậm chí ngay tại Luật Quy hoạch đô thị và ngay cả các nghị định, thông tư hướng dẫn thực hiện các bộ luật này cũng gần như không có quy định về chế tài các hành vi làm sai các quy định về lập, điều chỉnh, thực thi các đồ án quy hoạch xây dựng đô thị đã được phê duyệt. Do vậy, chính quyền các địa phương nếu cần răn đe các hành vi làm sai quy hoạch được duyệt cũng rất khó và dẫn đến một thực tế là tại nhiều địa phương, điều chỉnh quy hoạch xây dựng và quản lý phát triển đô thị theo quy hoạch được duyệt đã không được tôn trọng, đô thị phát triển như “vết dầu loang” và để lại nhiều hậu quả như ngập nước, kẹt xe, ô nhiễm môi trường.
- Ông có thể nêu một vài ví dụ?
Có thể nêu một số ví dụ về quy hoạch được duyệt có các nội dung này nhưng khi triển khai phát triển đô thị thì không theo quy hoạch được duyệt như sau: (1) Việc phát triển các đô thị vệ tinh nhằm làm giảm áp lực quá tải về hạ tầng đô thị (hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội) cho đô thị hiện hữu. Việc này đều được chỉ rất rõ trong đồ án phát triển đô thị của hầu hết các đô thị lớn nhưng trên thực tế nhiều đô thị đã không làm được việc này. Chính Thủ tướng Chính phủ trong nhiều chỉ đạo gần đây liên quan đến chống ùn tắc giao thông cũng đã yêu cầu các đô thị lớn như Hà Nội, TPHCM hạn chế phát triển nhà cao tầng trong nội đô, đặc biệt là khu trung tâm cho đến khi tổ chức được mạng lưới giao thông, đảm bảo phục vụ tốt nhu cầu đi lại của người dân ở đây. Các địa phương cần tập trung đẩy nhanh việc xây dựng các đô thị vệ tinh để giãn dân, góp phần chống ùn tắc giao thông cho đô thị hiện hữu. (2) Việc chỉnh trang các khu đô thị hiện hữu đang là những khu dân cư có mật độ xây dựng và mật độ cư trú rất cao, hệ thống giao thông đa số là những hẻm nhỏ ngoằn ngoèo chỉ vừa cho 2 xe máy; với cấu trúc này thì hoàn toàn không phù hợp cho phát triển giao thông công cộng, nhưng tại TPHCM từ khi điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng được duyệt năm 2010 đến nay thì chưa có khu vực nào trong 13 quận nội thành hiện hữu tiến hành cải tạo, chỉnh trang các khu nhà lụp xụp để tổ chức sắp xếp lại mạng lưới giao thông, hiện đại hóa cơ sở hạ tầng kỹ thuật, xây dựng mạng lưới các công trình phúc lợi công cộng. Thế nhưng, chưa thấy có lãnh đạo nào phải chịu trách nhiệm trong việc này. Hay như nhiều đồ án quy hoạch được lập bởi các tư vấn tốt, được tuyển chọn qua các cuộc thi tuyển tư vấn lập quy hoạch nhưng trong quá trình thực thi quy hoạch, nhiều đồ án quy hoạch đã bị chỉnh sửa rất lớn so với ý tưởng của đồ án ban đầu. Theo luật, khi điều chỉnh quy hoạch cũng phải thực hiện đầy đủ các bước như khi lập đồ án quy hoạch như lấy ý kiến cộng đồng, đưa ra công khai… song hầu như các bước này không được thực hiện. Gần như chỉ có cơ quan chức năng và chủ đầu tư… thống nhất với nhau. Việc này nhiều chuyên gia về quy hoạch cũng đã có ý kiến nhưng tình hình vẫn chưa được cải thiện. Thậm chí, nhiều nơi còn “bỏ” luôn cả đồ án quy hoạch đã được Thủ tướng phê duyệt nhưng cũng… chẳng sao !
- Như vậy, theo ông phải bắt đầu từ sửa luật cho phù hợp hơn?
Đúng như vậy, bắt đầu phải có thêm các điều, khoản về điều chỉnh cục bộ các đồ án quy hoạch đã được duyệt tương đối chi tiết, cụ thể ngay từ Luật Quy hoạch đô thị nhưng có việc vận dụng linh hoạt, uyển chuyển để không làm mất tính sáng tạo trong ý tưởng quy hoạch nhưng cũng phải có giới hạn cho phép điều chỉnh các chỉ tiêu quy hoạch tối đa là bao nhiêu phần trăm, từ đó mới quy định các điều, khoản chế tài nếu vượt qua ngưỡng đó mà không có lý do thỏa đáng, luận cứ khoa học chặt chẽ, từ đó tạo có cơ sở pháp lý cho Nghị định và Thông tư hướng dẫn thực thi việc điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết, rõ ràng, minh bạch cùng các chế tài chi tiết.
- Như ông đã nói ở trên, liên quan đến lĩnh vực quy hoạch xây dựng, quản lý thực hiện quy hoạch phát triển đô thị có rất nhiều luật như các luật: Xây dựng, Đất đai, Quy hoạch đô thị, Nhà ở… Thực tế, chúng tôi cũng ghi nhận, với quá nhiều luật như vậy, thực sự người dân đã bị “rối” khi thực thi quyền giám sát của mình trong việc thực hiện quy hoạch của ngành chức năng - một trong những điều kiện để quy hoạch được thực hiện tốt. Chưa kể, khi có việc liên quan đến lĩnh vực này, nhiều người dân còn bị những công chức biến chất hành. Theo ông, cách nào để giải quyết vấn đề này?
Xin nhắc lại, từ khi Luật Xây dựng đầu tiên có hiệu lực năm 2003 (trong đó có một Chương II nói về công tác quy hoạch xây dựng) cho đến nay thì đã có các chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác lập quy hoạch xây dựng, tức là sau khi nhắc những mặt đã làm được của quy hoạch thì chỉ nêu lên những bất cập của công tác lập quy hoạch mà thôi, nhưng lần này là lần đầu tiên Thủ tướng Chính phủ nhắc tới công tác “quản lý phát triển đô thị theo quy hoạch được duyệt”. Và với việc giao cho Bộ Xây dựng phối hợp các bộ, ngành liên quan nghiên cứu soạn thảo những quy định cụ thể, chặt chẽ về công tác quản lý phát triển đô thị theo quy hoạch được duyệt, cùng với việc tiếp tục chấn chỉnh công tác công khai, minh bạch các đồ án quy hoạch được duyệt (kể cả các đồ án sau khi được điều chỉnh cục bộ) thì việc giám sát của người dân sẽ thuận lợi hơn và tôi tin rằng các tiêu cực nêu trên sẽ bị đẩy lùi. Riêng việc hiện nay có những điều khoản của các luật nêu trên chồng chéo nhau (nhưng không nhiều) thì đề nghị các bộ, ngành liên quan nên ngồi lại để thống nhất với nhau nhằm tạo thuận lợi cho Nhà nước - nhà đầu tư - người dân dễ dàng thuận tiện trong việc thực thi các luật này. Ví dụ: Bộ Xây dựng và Bộ Tài nguyên - Môi trường cần thống nhất về định nghĩa và phân loại đất trong đô thị một cách thống nhất, dễ áp dụng vào thực tế.