Do có quy mô nhỏ lẻ, phổ biến ở mức vài trăm con heo, vài ngàn con gà, sản xuất theo kiểu tự phát, phụ thuộc hoàn toàn vào thương lái nên các nông hộ rất dễ rơi vào cảnh được mùa mất giá, được giá mất mùa và chỉ cần có biến động từ thị trường xuất khẩu là lập tức bị thua lỗ.
Do chi phí sản xuất cao (từ vốn vay), công nghệ nuôi lạc hậu, năng suất thấp, nên người chăn nuôi nhỏ lẻ không thể cạnh tranh nổi với các công ty chăn nuôi có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vốn được đầu tư bài bản, chăn nuôi quy mô lớn, giá thành sản xuất rẻ, lại có thị trường tiêu thụ ổn định. Với diễn biến của thị trường heo tiểu ngạch sang Trung Quốc, đang chi phối thị trường heo trong nước thời gian qua, chưa ai dám chắc sẽ không xảy ra tình trạng phải “giải cứu”!
Mới đây, người viết bài có dịp tham quan dây chuyền chăn nuôi khép kín, được tự động hóa cao (nhập từ hãng Big Dutchmen, CHLB Đức) của Tập đoàn Hùng Nhơn (đặt tại huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước), chứng kiến 1 công nhân có thể chăm sóc 1 chuồng gà đẻ trứng với khoảng 45.000 con nhờ các công đoạn từ cho gà ăn, uống nước, lấy trứng, phân, đều được tự động hóa. Điều này giúp giá thành sản xuất xuống thấp và sản phẩm đảm bảo được thị trường tiêu thụ.
Từ thực tế đó, để tồn tại trong cơ chế thị trường ngày càng hội nhập sâu rộng như hiện nay, chăn nuôi nông hộ phải được liên kết lại theo hình thức các hợp tác xã hoặc doanh nghiệp (cổ phần) để có điều kiện tích tụ đất đai, nguồn vốn, tiếp cận công nghệ chăn nuôi hiện đại. Và chỉ có sự liên kết thì người chăn nuôi mới có thể giảm được giá thành sản xuất, tìm cách đàm phán ký kết với các đầu mối tiêu thụ, hạn chế sự bấp bênh về đầu ra sản phẩm.
Về phía Nhà nước, cần có chính sách tín dụng phù hợp để các nông hộ sau khi liên kết lại có thể tiếp cận nguồn tài chính với lãi suất thấp dài hạn (kể cả vốn vay ưu đãi nước ngoài), để đầu tư dây chuyền chăn nuôi hiện đại, mới có thể cạnh tranh được với các công ty chăn nuôi có vốn đầu tư nước ngoài ngay chính trên sân nhà.