Theo ĐB Tạ Thị Yên (Điện Biên), dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, các chủ trương, quyết sách đúng đắn, kịp thời của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, kinh tế - xã hội đã đạt được những kết quả tích cực trong năm 2021 cũng như những tháng đầu năm 2022.
Đặc biệt, ĐB Tạ Thị Yên bất bình về những biểu hiện lệch lạc trong các lĩnh vực bất động sản, chứng khoán, phát hành trái phiếu doanh nghiệp, mua sắm trang thiết bị y tế do một số tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định của pháp luật, thao túng thị trường, không minh bạch thông tin.
“Vấn đề là khi các cá nhân này lâm vào vòng lao lý thì lại kéo theo rất nhiều cán bộ quản lý nhà nước chuyên ngành, các lĩnh vực đó. Cử tri thắc mắc khi thấy các tổ chức, cá nhân đó bằng cách nào mà qua mặt được các cơ quan quản lý nhà nước một cách dễ dàng, trong khi cả xã hội nhìn thấy đó là những giao dịch không bình thường?”, ĐB Tạ Thị Yên bức xúc.
Vẫn theo ĐB Tạ Thị Yên, với một quốc gia đông dân, các vấn đề về giao thông giải quyết quá chậm, nhất là những vấn đề lớn phải tính toán cho cả một giai đoạn vài chục năm như đường sắt tốc độ cao, đường sắt nội đô Metro, các tuyến đường vành đai ở các đô thị trên 10 triệu dân như Hà Nội, TPHCM, các tuyến đường cao tốc trục ngang liên vùng, nhất là ở đồng bằng sông Cửu Long, trung du miền núi phía Bắc… “Đây là những vấn đề mang tính chiến lược, tầm nhìn dài hạn, nếu không bắt tay vào ngay thì sẽ không biết bao giờ mới có được hạ tầng giao thông hiện đại để phát triển”, ĐB Tạ Thị Yên nhấn mạnh.
ĐB Nguyễn Duy Minh (TP Đà Nẵng) cũng ghi nhận những dấu hiệu phục hồi, tăng trưởng của nền kinh tế, nhưng lưu ý rằng, sức khoẻ của doanh nghiệp trong nước vẫn chưa tốt. Tỷ trọng đóng góp của khu vực FDI vẫn lớn nhất trong cấu trúc thương mại của Việt Nam. Năm 2021, khối này đóng góp tới 74% tổng kim ngạch xuất khẩu. “Điều này phản ánh năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước còn hạn chế, thiếu sự liên kết giữa các doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI”, ĐB nhận xét.
Hiến kế phát triển, ĐB Nguyễn Duy Minh đề nghị Chính phủ khuyến khích các doanh nghiệp trong nước mở rộng kinh doanh, đặc biệt là vào các lĩnh vực chế tạo và công nghệ cao để củng cố nền tảng công nghiệp trong nước, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp FDI sử dụng nguồn lao động là người Việt Nam chất lượng cao.
Nhìn nhận lĩnh vực du lịch như một điểm tựa phát triển, ĐB đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành liên quan cần đánh giá rõ hơn kết quả việc triển khai các chính sách hỗ trợ, các giải pháp cho doanh nghiệp và người lao động bị ảnh hưởng do dịch bệnh Covid-19 trong ngành du lịch, trong đó cần làm rõ những vướng mắc, những hạn chế và nguyên nhân để đề ra các giải pháp để khắc phục. Đồng thời cần có chính sách thúc đẩy xúc tiến, quảng bá du lịch ra nước ngoài, chính sách khuyến khích đầu tư, hỗ trợ phát triển du lịch, kinh tế đêm, kinh tế chia sẻ, công nghiệp văn hóa, công nghiệp sáng tạo gắn với du lịch….