Qua thảo luận, các đại biểu Quốc hội (ĐB) quan tâm nhiều đến vấn đề hành nghề KBCB, tự chủ đối với cơ sở KBCB, giá dịch vụ KBCB. Một số ý kiến cũng đề nghị nghiên cứu, cân nhắc kỹ quy định giấy phép hành nghề có thời hạn là 5 năm.
ĐB Nguyễn Lân Hiếu (tỉnh Bình Định), Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, đề nghị, việc kiểm tra, đánh giá trình độ, đào tạo liên tục vẫn phải tiếp tục, nhưng nên bổ sung hình thức tự động cấp lại bằng sau khi nộp đủ các chứng nhận đào tạo liên tục, theo đúng quy định do Hội đồng Y khoa đặt ra.
Về quy định tự chủ đối với cơ sở KBCB của Nhà nước, ĐB Nguyễn Quốc Luận (tỉnh Yên Bái) đề nghị lựa chọn phương án 2 là cơ sở KBCB tự bảo đảm chi đầu tư và chi thường xuyên được quyết định giá dịch vụ KBCB nhưng không vượt quá giá tối thiểu theo quy định của Bộ Y tế. Quy định như vậy sẽ huy động được nguồn lực tham gia vào các hoạt động hợp tác trong lĩnh vực y tế, đẩy mạnh xã hội hóa, tạo động lực cho phát triển các dịch vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Là người làm trong ngành y, ĐB Nguyễn Lân Hiếu cho biết, nổi lên 2 vấn đề là giá dịch vụ KBCB và tự chủ bệnh viện. Theo ĐB Nguyễn Lân Hiếu, cần phân 2 luồng giá viện phí. Một là giá được bảo hiểm y tế chi trả, cần có lộ trình để tính đúng, tính đủ và tiến tới xóa bỏ khái niệm đồng chi trả nhằm bảo đảm an sinh xã hội cho người dân ở mọi đối tượng. Hai là giá KBCB theo yêu cầu, đây là chính là động lực để các bệnh viện thay đổi và phát triển. Do đó, không thể quy định giá trần mà cần tuân theo quy luật của thị trường.
Về vấn đề tự chủ bệnh viện, ĐB Nguyễn Lân Hiếu cho rằng đây là vấn đề khó nhưng nếu đã giải quyết được vấn đề giá KBCB thì việc vận hành các bệnh viện công tự chủ sẽ tường minh. Đây chính là lối đi của tự chủ, làm tốt, thu được tốt thì “đủ tiền để nuôi quân, đủ tiền để đầu tư, phát triển thương hiệu”.
Giải trình lại ý kiến các ĐB, về thời hạn giấy phép hành nghề, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, dự thảo luật quy định giấy phép hành nghề có giá trị 5 năm để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ ngành y, giúp đội ngũ cán bộ y tế nâng cao trình độ, tiệm cận các tiêu chuẩn chung của quốc tế.
Liên quan đến nội dung về tự chủ trong cơ sở y tế công lập, Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết, dự thảo luật quy định chung một số vấn đề mang tính nguyên tắc để có định hướng triển khai thực hiện, tháo gỡ khó khăn trước mắt cho các cơ sở y tế.
Về lâu dài, Chính phủ sẽ xem xét trình Quốc hội luật riêng về việc thực hiện tự chủ trong các đơn vị sự nghiệp công lập, ở các lĩnh vực như giáo dục, y tế… qua đó sẽ đưa ra hành lang pháp lý rõ ràng, giải quyết các hạn chế đã tồn tại nhiều năm.
Về vấn đề giá KBCB, Bộ trưởng Đào Hồng Lan giải thích, luật quy định về các yếu tố hình thành giá theo hướng tính đúng, tính đủ. Luật quy định giao cho Chính phủ quy định về lộ trình cụ thể của việc tính đúng, tính đủ, phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội, phù hợp với khả năng chi trả của Quỹ bảo hiểm y tế, của ngân sách và khả năng của người dân.
Trên cơ sở lộ trình do Chính phủ quy định, Bộ Y tế sẽ quy định giá dịch vụ KBCB do Quỹ bảo hiểm y tế chi trả và do ngân sách nhà nước thanh toán. HĐND cấp tỉnh sẽ quy định giá dịch vụ của các cơ sở KBCB trên địa bàn của tỉnh quản lý nhưng không được vượt qua mức giá dịch vụ KBCB tương ứng do Bộ Y tế quy định. Cơ sở KBCB của Nhà nước thì được tự quyết định giá KBCB theo yêu cầu; cơ sở KBCB tư nhân thì được quyết định giá theo luật hiện hành.
Hiện nay có 19.153 dịch vụ kỹ thuật phải định giá, nhưng sau nhiều năm, mới chỉ có 1.987 dịch vụ được Bộ Y tế định giá kỹ thuật (chiếm 10%), 48% dịch vụ thực hiện quy đổi giá, còn hơn 8.000 dịch vụ (chiếm hơn 42%) là chưa có giá và kéo dài nhiều năm. Sắp tới nếu vẫn xác định Bộ Y tế quy định giá thì đúng nguyên tắc nhưng có khả thi không, không khả thi thì ai chịu trách nhiệm khi 42% không có giá thì bệnh viện vận dụng giá nào? Cần thay đổi cách quản lý, cái nào Bộ Y tế chưa công bố giá, định giá thì cơ sở được làm.
ĐB NGUYỄN THIỆN NHÂN (TPHCM)