Cần lắm “ông bầu” lễ hội

Tôi may mắn được dự Lễ hội gia đình của người Việt ở Bỉ và Lễ hội Loy Krathong của người Thái ở Hà Lan. Những sự kiện như thế này, bất kể quy mô to nhỏ, đều đáp ứng được nhu cầu thiết thực: tạo không gian giao lưu, chia sẻ trong cộng đồng người xa xứ và truyền bá văn hóa đến người bản xứ.

Đẹp, đông vẫn chưa đủ

Lễ hội gia đình 2022 do Tổng hội Người Việt Nam tại Bỉ tổ chức vào đầu mùa thu năm nay ngay tại thủ đô Brussels phải nói là thiên thời, địa lợi, nhân hòa. Hiếm khi gặp thời tiết đẹp như vậy. Các quầy ẩm thực, hàng thủ công mỹ nghệ, áo dài, sách, quầy bánh trung thu, quầy vẽ mặt cho trẻ em, quầy nước giải khát, quầy chè, cà phê, bánh ngọt... tới tấp người ghé thăm, chuyện trò, mua sắm. 

“Năm sau chắc phải nấu gấp ba cả nhà ạ”, chị em đi dự hội về than thở với nhau. Hội mới mở chừng 2 giờ đã hết phở, hơn tiếng sau thì chè cháo cũng sạch hết. Chỉ cần sự nhiệt tình kêu gọi của chị em, đã có ngay màn biểu diễn áo dài và rước đèn lồng lung linh rực rỡ trong Lễ hội gia đình 2022. Là bạn bè quen thuộc cả, là con cái mình đấy thôi, thế mà diện áo dài dân tộc đi thành đoàn, bước theo hàng theo lối, gương mặt nào cũng trở nên sáng rạng khác hẳn ngày thường. Rồi múa lân rộn ràng, trẻ em lên sân khấu kể chuyện, đọc thơ, hát múa... Không khí của một đại gia đình, của ý nghĩa thấy quê hương ngay trên xứ lạ cứ mở ra thật gần gũi, đầm ấm.

Cần lắm “ông bầu” lễ hội ảnh 1 Xếp hàng biểu diễn áo dài tại Lễ hội gia đình 2022 ở Bỉ
Trái bầu vườn nhà ai để tạm ở quầy truyền thông nhờ gửi cho người quen, được hỏi tới tấp “Có bán bầu hả, cho em mua được không?”. Nhu cầu mua rau củ quả trồng trong những khu vườn Việt ở nước ngoài cũng rất cao. Tranh thủ mùa thu chưa quá lạnh, vườn nhà còn rau, sao không kêu gọi gom rau củ quả đến lễ hội để trao đổi, mua bán? Nhưng vẫn thấy thiếu cái gì đó, không hẳn chỉ là thiếu đồ ăn. 

Hơn cả mong đợi

Những cái còn thấy thiếu ấy, 2 lần dự Lễ hội Loy Krathong của người Thái Lan ở Hà Lan, tôi đều được trả lời đầy đủ.

Lễ hội diễn ra trong khuôn viên ngôi chùa Wat Buddhavihara Amsterdam ở vùng Purmenrend Amsterdam sloterdijk. Nhờ khuôn viên vườn chùa rộng rãi, nằm trong khu công viên cây xanh nên lễ hội được tổ chức khá thường xuyên, gần như mỗi tháng một lần. Đầu tháng, tôi dự hội không thấy phát đồ ăn, nhưng cuối tháng thì cả khu vườn phía trước căng lều bạt mời gọi ghé quầy ăn uống miễn phí toàn món ngon, từ gỏi đu đủ som tam cho tới miến hải sản goong ob woonsen, từ các hộp sữa có ống hút cho trẻ em đến nước trái cây, cà phê... 

Những phụ nữ phát đồ ăn miễn phí ở đó cho biết người ta kêu gọi các gia đình Thái trong tỉnh hoặc khu vực lân cận tự nguyện nấu một món ăn đặc trưng nào đó mang đến lễ hội mời thực khách. Như vậy, vừa làm cho lễ hội thêm hấp dẫn, vừa quảng bá được văn hóa ẩm thực rộng hơn. Ấy là sức mạnh của tập thể. Đúng là hơn cả mong đợi.

Bên cạnh sân khấu biểu diễn múa hát dân tộc, các quầy bán thực phẩm của người Thái phong phú không khác gì đang đi chợ địa phương. Người Việt như tôi và gia đình cô bạn ở đây cũng mua sắm được bao nguyên liệu thân quen như lá lốt, hoa thiên lý, bông điên điển, bánh khoai mì... Ở khu bán đồ ăn, 2 ông chồng người Hà Lan đang chúi đầu quạt lò than nướng từng xiên thịt thơm phức cho vợ con bán. Họ cũng không ngại bán trùng món hàng, ngay cả khi dựng quầy cạnh nhau. Nếu các lễ hội của người Việt tại Bỉ hoặc Hà Lan cũng được tổ chức thường xuyên và cung cấp, bày bán nhiều sản phẩm đa dạng như thế này thì ý nghĩa biết bao.

Gần đây, CLB Phụ nữ Việt Nam tại Bỉ vừa ra đời. Một trong những hoạt động sắp tới CLB muốn tổ chức là gói bánh chưng phục vụ cộng đồng người Việt ở Bỉ đón tết cổ truyền. Nếu sự kiện này được tổ chức thành công, chị em sẽ có kinh nghiệm và quyết tâm để cùng các tổ chức, hội đoàn khác kiến tạo thêm nhiều sự kiện văn hóa - ẩm thực đáp ứng nhu cầu của người Việt xa xứ. Cần lắm những ông bầu sự kiện, bà bầu lễ hội mát tay như thế.

Tin cùng chuyên mục