Lan rừng xuống phố
Chạy dọc đường Trường Sơn Đông, đoạn qua xã Sơn Lang, huyện Kbang, tỉnh Gia Lai, chúng tôi bắt gặp nhóm 3 người đang men theo con đường mòn ở rừng ra, trên gương mặt mồ hôi nhễ nhại, còn đôi chân lấm lem bùn đất. Hỏi chuyện mới biết những người này ở huyện Kbang và từ sáng sớm đã chạy xe 60km vào đây tìm kiếm lan rừng.
Theo nhóm người này, khu rừng họ lặn lội tìm lan vốn trước kia lan rừng rất nhiều nhưng nay đã ngày càng hiếm. Riêng họ mất 5 giờ vào sâu trong rừng nhưng không tìm được giò lan nào.
Theo bà Trần Thị Tâm (xã Sơn Lang), một hộ gia đình chuyên thu mua lan rừng dọc đường Trường Sơn Đông, nhiều năm trước, những khu rừng trên địa bàn huyện Kbang có rất nhiều loại lan, nhưng bây giờ một số loại như Giã hạc, Thủy tiên không còn nữa, phải sang khu rừng bên tỉnh Kon Tum mới may ra tìm được.
“Nhiều năm trước, nếu khách cần mua lan rừng với số lượng lớn thì tôi có thể cung cấp hàng trăm giò lan/ngày, còn nay ngày có ngày không và số lượng lan thu mua được rất ít. Người dân đi tìm lan phải vào tận rừng sâu, thậm chí đi nhiều ngày cũng không tìm được giò lan nào”, bà Trần Thị Tâm cho biết.
Tại giao lộ Phan Đình Giót - Lê Duẩn, khu vực mua bán lan rừng lớn nhất ở TP Buôn Ma Thuột, có hàng trăm chủng loại lan rừng được bày bán trên vỉa hè với giá cả dao động từ vài trăm ngàn đồng đến vài triệu đồng/kg.
Chị Nguyễn Thị Thanh, người bán lan rừng đã hơn 5 năm tại đây, cho biết hàng ngày, chồng chị xuống các huyện Krông Bông, Ea Súp, Buôn Đôn (tỉnh Đắk Lắk) để mua lại của những người săn lan rừng rồi mang về chia nhỏ, sau đó chở ra phố cho chị bán lại kiếm lời. Trung bình mỗi ngày chị kiếm được 400.000 - 700.000 đồng từ việc buôn bán lan rừng.
Nguy cơ tiệt chủng
Việc săn lan rừng một cách vô tội vạ khiến một số loài đang có nguy cơ tiệt chủng. Anh Y VaNi (huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk) kể rằng anh có gần 7 năm hành nghề săn lan rừng.
Trước đây ở vùng Buôn Đôn và Ea Súp (cùng thuộc tỉnh Đắk Lắk), lan rừng vô số kể, chỉ cần đi một ngày là có thể mang về đầy bao tải. Còn bây giờ nhiều người cùng vào rừng khai thác nên lan rừng khan hiếm dần.
Hiện mỗi chuyến vào rừng, anh Y VaNi phải băng cắt qua hàng chục cây số đường rừng, vào tận rừng sâu mới tìm được lan. Có những chuyến đi rừng nhiều ngày để tìm một số loại lan theo yêu cầu của khách hàng (có ứng tiền trước) nhưng chẳng kiếm được bao nhiêu, không đủ trang trải chi phí.
Ông Phạm Tuấn Linh, Phó Giám đốc Vườn Quốc gia Yók Đôn, huyện Buôn Đôn (tỉnh Đắk Lắk), cho hay vài năm qua, nhu cầu chơi hoa lan rừng rất lớn khiến loài thực vật này bị nhiều nhóm người săn lùng, dẫn đến khan hiếm dần.
“Những hành vi hái lan, tác động vào môi trường sinh thái đều vi phạm pháp luật. Thời gian qua, trong quá trình tuần tra rừng, đơn vị liên tục phát hiện và ngăn chặn nhiều đối tượng có hành vi hái lan rừng. Trong những cuộc họp tuyên truyền bảo vệ rừng, chúng tôi đã cảnh báo, nghiêm cấm người dân vào rừng săn hái lan để giữ lại hệ sinh thái của rừng”, ông Phạm Tuấn Linh nói.
Theo ông Đào Xuân Thủy, Phó Giám đốc Vườn quốc gia Chư Mom Ray (tỉnh Kon Tum), việc người dân vào lâm phần của Vườn quốc gia Chư Mom Ray để khai thác lan rừng là hành động vi phạm và kiểm lâm vườn đã phát hiện, xử lý nhiều vụ khai thác lan với mức xử phạt nặng hay nhẹ tùy vào loại lan bị khai thác thuộc dòng quý hiếm hay bình thường, số lượng nhiều hay ít. Trên lâm phần của đơn vị có rất nhiều loại lan quý hiếm nên vườn đã lập đề án để bảo tồn.
Còn ông Y Sy H’Đơk, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk, khẳng định: “Những hành vi khai thác lan rừng là vi phạm pháp luật. Do nhu cầu, thị hiếu chơi lan rừng rừng ngày càng nhiều đã khiến môi trường sinh thái của rừng bị ảnh hưởng. Hiện chi cục đã chỉ đạo các chủ rừng và hạt kiểm lâm tích cực tuần tra, ngăn chặn mọi hành vi vào rừng tìm lan của người dân nhằm bảo vệ hệ sinh thái tự nhiên”.