Cần kịch bản dài hạn để ứng phó thiên tai

Trước dự báo mưa bão sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, ngành thủy sản cần có những kịch bản dài hạn để nâng cao khả năng chống chịu.

IMG_3765.jpeg
Nhiều doanh nghiệp và ngư dân nuôi biển trắng tay sau bão. Ảnh: VASEP

Theo Bộ NN-PTNT, ảnh hưởng bão số 3 vừa qua, lĩnh vực thủy sản ước tính thiệt hại khoảng 2.500 tỷ đồng - một con số rất lớn. Hiện nay, Bộ NN-PTNT đang triển khai các biện pháp kỹ thuật để khôi phục hệ thống nuôi trồng thủy sản bị ảnh hưởng sau bão.

Trao đổi với báo chí ngày 20-9, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến cho biết: “Bộ sẽ có một cuộc họp với Cục Thủy sản, doanh nghiệp, các hiệp hội ngành hàng… Qua đó, huy động nguồn lực về con giống, thức ăn, hóa chất, lồng bè… để hỗ trợ cho các địa phương, đặc biệt là Quảng Ninh và Hải Phòng, nhằm sớm khôi phục sản xuất, để chu kỳ sản xuất đáp ứng được nhu cầu nguồn cung thực phẩm trước, trong và sau Tết Nguyên đán”.

IMG_3758.jpeg
Bão số 3 tràn qua làng cá Cát Bà (TP Hải Phòng)

Theo Thứ trưởng, ngành thủy sản phải tiếp cận công nghệ mới, hiện đại, quy mô lớn và theo chuỗi khép kín, mới có thể tránh được các sự cố như cơn bão số 3 vừa qua.

Từ bài học rút ra sau cơn bão, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT đề nghị, cần có kế hoạch xây dựng Quỹ hỗ trợ khẩn cấp cho ngư dân và người nuôi trồng thủy sản.

IMG_3766.jpeg
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến

“Trước đây đã có Quỹ phát triển thị trường xuất khẩu thủy sản Việt Nam, nhưng theo quy định mới thì không thể tồn tại được. Chúng tôi sẽ bàn và trao đổi với các hiệp hội để xây dựng quỹ, nhằm hỗ trợ phòng chống thiên tai, hỗ trợ xuất khẩu và phát triển sản xuất”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.

Bên cạnh hỗ trợ tài chính, việc nâng cao nhận thức và kỹ năng cho người dân trong ứng phó với các tình huống thiên tai cũng rất cần thiết.

IMG_3761.jpeg
Sau bão, nhiều chủ bè cá ở huyện đảo Vân Đồn (tỉnh Quảng Ninh) trắng tay. Ảnh: LAN ANH

Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, trong nhiều năm qua, Bộ NN-PTNT đã giao Cục Thủy sản phối hợp các hiệp hội như Hội Thủy sản Việt Nam, Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam… tập huấn nhiều lớp về kỹ năng cũng như kỹ thuật ứng phó với các tình huống có sự cố xảy ra.

Cùng với đó, Thứ trưởng cho rằng, khoa học công nghệ là một trong những giải pháp quan trọng nhằm hạn chế rủi ro của ngành thủy sản trước thiên tai. Tuy nhiên, hiện đầu tư cho nghiên cứu và chuyển giao khoa học công nghệ còn rất hạn chế.

Tin cùng chuyên mục