1. Hồi đầu những năm 1990 của thế kỷ 20, chiếc tivi CRT to đùng vỏ màu đỏ, đen hay ghi xám là cả gia tài, niềm ao ước của nhiều người. Thời đó, trong xóm, nhà nào có chiếc CRT 21 inch là nở mày nở mặt.
Mấy chục năm sau thời hoàng kim của tivi CRT, ở huyện Hóc Môn, địa bàn không quá xa cũng chả quá gần trung tâm thành phố, nơi đô thị phát triển từng ngày, chiếc CRT to đùng vẫn tồn tại. Thành thị vốn nhiều trò giải trí, tivi mất đi vị thế của mình đã đành, ở các vùng ngoại thành cũng vậy, từ lâu tivi đã trở thành món đồ… trang trí.
Ghé xã Nhị Bình, huyện Hóc Môn, vượt qua những con phố nhộn nhịp với những căn nhà san sát là con đường mướt cây xanh, xã Nhị Bình êm đềm, bình dị như chính cái tên của nó. Cuộc sống người dân không quá vội vã như người dân thành thị nhưng ruộng rau, vườn quả cũng chiếm hết thời gian của họ.
Con đường Nhị Bình 16 (thuộc ấp 3) đã trải nhựa khang trang, cách vài chục mét mới có một căn nhà đơn sơ, giản dị. Hầu hết người dân ở đây còn sử dụng tivi kiểu cũ, dạng màn hình CRT. Chiếc tivi nằm im lìm trên kệ như hòa vào cái không khí vắng vẻ của khu dân cư.
Ông Nguyễn Phi Hải (ngụ đường Nhị Bình 16, ấp 3, xã Nhị Bình) chỉ vào chiếc tivi màn hình CRT vỏ đỏ rồi bảo: “Cái tivi nhà tui dễ đến mười mấy gần hai chục năm nay rồi, bền lắm, vả lại có mấy khi coi đâu mà không bền. Ngày trước mấy đứa con tui còn nhỏ thì nó coi, lớn một chút thì chẳng đứa nào ngó tới tivi. Tui với bả có rảnh đâu mà coi, thi thoảng bả mở chút xíu vào giờ ăn cơm tối thôi”.
Thấy chồng nói chuyện coi tivi, bà Nguyễn Thị Lệ Hằng góp chuyện: “Người nhà quê, luôn chân luôn tay, hết thửa ruộng lại đến mảnh vườn, con gà, con heo là tới giờ nấu cơm, ăn xong thì đi ngủ để sáng còn dậy sớm làm công chuyện chứ đâu rảnh coi tivi. Thi thoảng tui cũng mở chừng 1 giờ, lúc 7 giờ hơn tới 8 giờ tối, vừa ăn cơm vừa coi tivi, chủ yếu là để cho có tiếng, cho vui cửa vui nhà chứ tui không theo dõi phim gì cả. Lấy cái “rô mốt” bấm lên, trúng kênh nào thì xem kênh đó, trúng cái gì thì coi cái đó nên cũng không rành, không ham”.
Người dân ở Nhị Bình chủ yếu đi ngủ sớm, tầm 9 giờ tối là các gia đình đã tắt điện. Vì vậy, tivi với họ cũng chỉ như thứ đồ để trang trí, có thì thừa mà không có thì thiếu, nó gần như đã mất đi chức năng phục vụ giải trí cho người dân vùng nông thôn.
2. Ở nhà hết lắc xắc chuyện này tới chuyện kia cả ngày, rồi chiều tối phụ con gái bán quán ốc nhưng hễ thứ hai tuần nào có bận chuyện gì đi nữa thì cũng phải xem xong chương tình “Dựng lại tình huống” trên tivi, bà Nguyễn Thị Lệ (ngụ ấp 2, xã Quy Đức, huyện Bình Chánh) mới làm tiếp.
“Thứ hai tuần nào cũng vậy hết á, ngoại canh coi xong cái chương trình tình huống trên tivi rồi mới ra phụ quán ốc với tụi nó. Còn bữa nào ngoại ra sớm thì đúng 7 giờ cũng bỏ đó, đứa nào coi thì coi, ngoại vô coi xong hết chương trình, ngoại ra phụ tiếp”, bà Nguyễn Thị Lệ kể chuyện chương trình yêu thích trên tivi của bà.
Tuổi cao, mắt yếu ít khi coi tivi, nhưng chương trình “Dựng lại tình huống” thì bà không bỏ tập nào. Bà kể: “Nhiều khi coi xong cũng thấy sợ lắm con, nhưng mà mình coi để biết rồi dặn con cháu cẩn thận hơn đi trên đường xe cộ, khóa cửa nẻo trong nhà cho kỹ. Chuyện xảy ra rồi người ta mới dựng lại chiếu cho mình coi, nhiều khi chuyện ở miệt đâu xa lắm, chứ hổng phải mình đây, mà coi xong ngoại cũng thấy lo”.
Với người dân vùng ven và ngoại thành, ngó bộ mấy chương trình gameshow hát múa nhảy nhót tưng bừng, bà con không mấy quan tâm. Hỏi qua tên mấy ca sĩ đình đám như “ông hoàng nhạc Việt”, “họa mi hát”… hay mấy chàng ca sĩ đầu xanh đầu đỏ, bà con không biết.
Bà Năm, cũng ở ấp 2, xã Quy Đức, trả lời tỉnh rụi: “Cả ngày mần ruộng, buôn bán, tối đến mệt muốn chết, thời gian đâu mà coi “sâu xiếc” gì. Trước tui mê coi “Trong nhà ngoài phố” dữ lắm, mà hết chiếu mấy chục năm rồi, hồi giờ chẳng thấy chương trình nào coi được cỡ vầy nên nản hết coi tivi rồi”.
Còn theo lời bà Nguyễn Thị Lệ, ngoài chuyện mê xem chương trình “Dựng lại tình huống” trên tivi, bà cũng là mê cải lương lắm, hồi trước có thằng cháu ngoại chưa có vợ, chiều cỡ 5 giờ là nó hay chở đi coi hát ở rạp Thủ Đô, bên đường Trần Hưng Đạo. Giờ nó có vợ, lo làm ăn nên cũng hết đi coi.
“Xã mình thì lâu lắm con ơi, cả năm có một lần. Qua tết cỡ tháng giêng, hai mới có, lúc đó ruộng khô với lại trời không mưa thì mới có đoàn xuống hát, được bữa hà. Coi không có đã ghiền!”, bà Lệ nói.
3. “Giờ có cái này, tui mở lên coi giờ nào hông được, đâu có thèm giành tivi với ổng nữa”, dì Kim Vân (ngụ phường 5, quận 8) vừa cười vừa kể lại chuyện “giành” tivi trong nhà. “Nhà có cái tivi, tụi nhỏ thì đứa có cái điện thoại mà tối là tui bắt tụi nó học bài, xong thì mới được coi tivi hay là chơi điện thoại. Tới giờ phim của mình thì ổng giành coi tin tức hay đá banh, rồi mấy cái phim đánh đấm, tui không ưa. Mà bữa nào lỡ đi làm hay đi công chuyện bỏ mất hết tập phim cũng tiếc, tại đang theo dõi thấy hay. Hồi cuối tháng hai vợ chồng có lương, tui với ổng quyết định mua luôn cái điện thoại xịn. Lên mạng coi phim, ca nhạc luôn cho tiện, giờ thích coi phim gì thì coi, nay coi không được thì bữa khác quởn mở lên coi lại, còn cái tivi để cho ổng. Tui hông giành nữa!”.
Rút trong túi quần ra chiếc điện thoại còn mới coong, chú Trần Đăng Hiền (chú Hiền “hoa mai”, ngụ hẻm 80 đường TX25, phường Thạnh Xuân, quận 12) khoe: “Phải điện thoại thông minh là cái này hông con? Nông dân mà dùng điện thoại kiểu này thì nhiều nhưng thông thạo tiện ích như chú Hiền hoa mai là hiếm à nha, chú chơi Facebook sành lắm đó nghen”.
Vừa nói, chú Hiền “hoa mai” vừa mở Facebook cá nhân cho chúng tôi xem. Màn hình hiện lên rất nhiều hình ảnh hoa mai với đủ kiểu dáng, kích cỡ. “Đây đây, con thấy quá trời hình cây mai chưa, đủ kiểu dáng nha. Thời điểm này là chú uốn cây rồi bắt đầu chụp hình để chào hàng trên mạng. Còn đây là nhóm trồng mai mà chú tham gia, mọi người lên đây chia sẻ kinh nghiệm trồng mai, báo cho nhau loài sâu bệnh hại mai hay thi thoảng “seo phì” vài tấm đưa lên để bạn bè biết mặt nhau. Thời đại công nghệ thì nông dân cũng phải tiến bộ chớ, con biểu cứ làm kiểu thủ công như ngày xưa thì theo sao kịp tụi trẻ, chú nói phải hông con?”.
Chuyến tiếp cận công nghệ của bà con vùng ven ngoại thành giờ cũng hoành tráng lắm, điện thoại thông minh hoặc hơi thông minh giá cũng không cao, nhiều người có thể sắm sửa được. Còn cái tivi, chuyện nghe nhìn của bà con, nói thiệt giờ chẳng mấy ai quan tâm nữa. Cái mà họ quan tâm là những chương trình thường thức với cuộc sống vùng ven, như cảnh giác trộm cướp, chuyện vui xóm làng… chứ không phải là mấy gameshow đang khuynh đảo truyền hình. Nhưng, tất cả chỉ là mong muốn…