Cần khoảng 254 tỷ USD từ năm 2022 đến năm 2040 để xây dựng khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu

Báo cáo quốc gia về khí hậu và phát triển Việt Nam (CCDR) vừa hoàn tất, là một trong những báo cáo đầu tiên trong chuỗi báo cáo cấp quốc gia về khí hậu và phát triển do Nhóm Ngân hàng Thế giới (WB) soạn thảo và sẽ được công bố đầy đủ vào ngày 14-7 tới đây, tại Hà Nội. 
Việt Nam là một trong những quốc gia dễ bị tổn thương nhất trên thế giới trước biến đổi khí hậu
Việt Nam là một trong những quốc gia dễ bị tổn thương nhất trên thế giới trước biến đổi khí hậu

Bản báo cáo đã phân tích các thách thức về thích ứng và giảm thiểu biến đổi khí hậu tại Việt Nam và khuyến nghị các hành động chính sách cần được ưu tiên trên cơ sở xem xét tính bất định của tác động biến đổi khí hậu trong tương lai cũng như các công nghệ và tài chính hiện có.

Tổng quan, báo cáo nêu trên đề xuất Việt Nam chuyển đổi mô hình phát triển bằng cách kết hợp hai lộ trình quan trọng - xây dựng khả năng chống chịu và khử carbon để cân bằng các mục tiêu phát triển với rủi ro khí hậu ngày càng tăng.

Các chuyên gia WB nhìn nhận, với hơn 3.200km bờ biển, nhiều thành phố có địa hình trũng thấp và các vùng đồng bằng ven sông, Việt Nam là một trong những quốc gia dễ bị tổn thương nhất trên thế giới trước biến đổi khí hậu, chủ yếu là nhiệt độ tăng, mực nước biển dâng cao hơn và biến động lớn hơn. Các tính toán ban đầu cho thấy Việt Nam mất 10 tỷ USD vào năm 2020, tương đương 3,2% GDP do tác động của biến đổi khí hậu.

Nếu không có các biện pháp thích ứng và giảm thiểu phù hợp, ước tính biến đổi khí hậu sẽ khiến Việt Nam mất khoảng 12 - 14,5% GDP mỗi năm vào năm 2050 và có thể khiến 1 triệu người rơi vào tình trạng nghèo cùng cực vào năm 2030.

Báo cáo cũng đã nêu ra một số khuyến nghị chính về lộ trình xây dựng khả năng thích ứng cho Việt Nam, trong đó tổng nhu cầu tài chính ước tính khoảng 254 tỷ USD từ năm 2022 đến năm 2040, bao gồm khoảng 219 tỷ USD để nâng cấp tài sản tư nhân và cơ sở hạ tầng công cộng và 35 tỷ USD cho các chương trình xã hội. Các biện pháp hỗ trợ sẽ giúp đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0 mà không làm chậm tốc độ tăng trưởng GDP. Đầu tư công có thể chiếm khoảng một phần ba tổng vốn đầu tư và có thể được tài trợ thông qua thuế carbon hoặc đi vay trên thị trường trong nước.

Nguồn vốn tư nhân tương đương khoảng 3,4% GDP mỗi năm có thể được huy động thông qua tín dụng xanh từ các ngân hàng, cổ phiếu xanh và trái phiếu xanh, cũng như áp dụng các công cụ giảm thiểu rủi ro.

Những ưu tiên hàng đầu, thể hiện qua các “gói” chính sách cũng đã được nêu rõ, bao gồm chương trình cấp vùng có điều phối cho khu vực ĐBSCL; chương trình đầu tư tăng khả năng chống chịu ven biển tích hợp cho các trung tâm đô thị chính và cơ sở hạ tầng kết nối; chương trình giảm thiểu ô nhiễm không khí có mục tiêu ở Hà Nội; tăng tốc quá trình chuyển dịch năng lượng sạch và cuối cùng là một khế ước xã hội mới để bảo vệ những đối tượng dễ bị tổn thương nhất.

Tin cùng chuyên mục