Nhà Trắng đã phải chịu áp lực từ các nhà lập pháp trong nước và chính phủ các nước trong nỗ lực từ bỏ các quy tắc cấp bằng sáng chế cho vaccine để các nước nghèo hơn có thể bắt đầu sản xuất các loại vaccine chưa có tên thương mại nhằm phục vụ cho chương trình tiêm chủng của các quốc gia này. Mỹ cũng bị chỉ trích vì tập trung đầu tiên vào việc tiêm chủng cho công dân nước này, đặc biệt là khi nguồn cung cấp vaccine của Mỹ bắt đầu vượt quá nhu cầu, liều lượng được phê duyệt và có thể cung cấp cho những nơi khác trên thế giới.
Chánh Văn phòng Nhà Trắng Ron Klain cho biết, bà Katherine Tai sẽ bắt đầu đàm phán với WTO về “cách mà nước này có thể giúp các loại vaccine như vậy được phân phối, cấp phép và chia sẻ rộng rãi hơn”. Trong khi đó, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan cho biết, Chính phủ Mỹ tin rằng các công ty dược phẩm nên cung cấp vaccine cho toàn thế giới với quy mô và giá thành nhất định để giúp mọi người đều được tiêm chủng. Theo ông Klain, Mỹ đã gửi cho Ấn Độ đủ nguyên liệu cần thiết để sản xuất 20 triệu liều vaccine khi mà New Delhi đang phải đối mặt với làn sóng các ca mắc Covid-19 và tử vong cao chưa từng thấy.
Thượng nghị sĩ Bernie Sanders, thuộc nhóm các thượng nghị sĩ đảng Dân chủ đang gây sức ép với Nhà Trắng về việc chia sẻ thêm vaccine cho thế giới, cho biết, tình hình hiện nay “đáng phê phán về mặt đạo đức”. Ông Sanders thêm rằng, khi hàng triệu sinh mạng đang bị đe dọa, phải yêu cầu công ty dược phẩm “cho phép các quốc gia khác có các quyền sở hữu trí tuệ để họ có thể sản xuất vaccine, vốn đang rất cần ở các nước nghèo.” Hãng tin AP dẫn lời ông Sanders: “Có điều gì đó phản cảm về mặt đạo đức về việc các nước giàu có thể tiêm loại vaccine đó, nhưng hàng triệu, hàng tỷ người ở các nước nghèo không đủ khả năng mua”.
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), Mỹ hiện có gần 60% người trưởng thành được tiêm ít nhất một mũi vaccine Covid-19. Nhưng nhiều quốc gia khác đã không thể nhanh chóng tiêm chủng trong bối cảnh nguồn cung vaccine toàn cầu thiếu hụt và thêm nhiều thách thức khác. Các chuyên gia y tế thế giới cho rằng, Mỹ nên làm nhiều hơn nữa để thúc đẩy công bằng vaccine toàn cầu. Tổ chức Y tế quốc tế Bác sĩ không biên giới (Medecins Sans Frontieres) hồi đầu tháng 4 đã kêu gọi các quốc gia giàu có tạm ngưng yêu cầu bằng sáng chế đối với vaccine Covid-19 để giúp các quốc gia có thu nhập thấp đảm bảo có thêm lượng vaccine cần thiết.