Theo kiến nghị của cử tri tỉnh Bình Định, trước mắt, Sân bay Phù Cát cần đầu tư ngay hạng mục xây dựng đường cất hạ cánh số 2, các đường lăn nối và các công trình khác thuộc khu bay với tổng mức đầu tư khoảng 3.013 tỷ đồng, nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Tuy nhiên, theo quy định hiện hành, thẩm quyền đầu tư xây dựng đường cất hạ cánh số 2, các đường lăn nối và các công trình khác thuộc khu bay thuộc về Bộ GTVT, doanh nghiệp cảng hàng không.
Việc UBND tỉnh Bình Định đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách tỉnh không phù hợp theo Luật Ngân sách Nhà nước. Do đó, cử tri kiến nghị Bộ GTVT trình Quốc hội xem xét thông qua cơ chế đặc thù, giao UBND tỉnh Bình Định tổ chức thực hiện phương án đầu tư.
Đồng thời, cử tri kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho chủ trương tách nhiệm vụ bồi thường giải phóng mặt bằng thành dự án riêng để địa phương chủ động bố trí đủ kinh phí (khoảng 1.008 tỷ đồng) triển khai thực hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án.
Trả lời kiến nghị cử tri tỉnh Bình Định, Bộ GTVT thể hiện quan điểm ủng hộ chủ trương sớm nghiên cứu đầu tư đường cất hạ cánh số 2, hệ thống đường lăn nối và các công trình hạ tầng kỹ thuật đồng bộ thuộc khu bay.
Bộ GTVT đã đề nghị các bộ, ngành liên quan phối hợp để thống nhất phương án giao UBND tỉnh Bình Định làm chủ quản thực hiện đầu tư xây dựng, đồng thời, đề nghị tỉnh làm việc với Bộ KH-ĐT, Bộ Tài chính để được xem xét, báo cáo cấp có thẩm quyền quyết định.
Sân bay Phù Cát hiện có mức độ nhộn nhịp chỉ đứng sau Sân bay Đà Nẵng (Đà Nẵng) và Sân bay Cam Ranh (Nha Trang) ở khu vực Duyên hải Nam Trung Bộ, với trung bình hơn 1 triệu lượt khách/năm.
Hiện sân bay này mới có 1 đường cất hạ cánh.