Theo đề xuất của Cục Hàng không Việt Nam, trong thời kỳ 2021-2030, Cảng hàng không quốc tế (HKQT) Cam Ranh là sân bay cấp 4E và sân bay quân sự cấp I, công suất thông qua đạt 25 triệu hành khách/năm và 55.000 tấn hàng hóa/năm.
Sân bay sẽ có 75 vị trí đỗ máy bay, đáp ứng được nhu cầu khai thác các loại máy bay hiện đại, với phương thức tiếp cận hạ cánh bằng thiết bị hạ cánh chính xác theo tiêu chuẩn quốc tế.
Về nhà ga, thời kỳ 2021-2030, Cục Hàng không Việt Nam đề xuất xây dựng nhà ga hành khách T1, công suất quy hoạch 21 triệu hành khách/năm (quốc nội 8,5 triệu hành khách/năm, quốc tế 12,5 triệu hành khách/năm), giữ nguyên nhà ga T2 (quốc tế) công suất 4 triệu hành khách/năm.
Tầm nhìn đến năm 2050, Cảng HKQT Cam Ranh sẽ có công suất 36 triệu hành khách/năm và 100.000 tấn hàng hóa/năm. Đồng thời, sân bay được quy hoạch 102 vị trí đỗ máy bay.
Giai đoạn này, nhà ga T2 sẽ được cải tạo và hợp khối nhà ga T1 thành nhà ga T1 (quốc tế) mới công suất 24 triệu hành khách/năm. Xây mới nhà ga T3 (quốc nội) công suất 12 triệu hành khách/năm đảm bảo theo dự báo tầm nhìn đến năm 2050 đạt 36 triệu hành khách/năm. Đối với nhà ga hàng hoá, Cục Hàng không đề xuất quy hoạch diện tích đất cho khu ga hàng hóa là 12,1ha.
Theo tính toán của Cục Hàng không Việt Nam, nhu cầu vốn đầu tư xây dựng Cảng HKQT Cam Ranh thời kỳ 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2050 dự kiến 39.376 tỷ đồng. Trong đó, thời kỳ 2021-2030 dự kiến là 24.311 tỷ đồng, giai đoạn sau 2030 tầm nhìn đến năm 2050 dự kiến là 15.065 tỷ đồng.
Theo Cục Hàng không Việt Nam, trong các năm gần đây, tốc độ tăng trưởng hành khách thông qua Cảng HKQT Cam Ranh vượt tốc độ dự báo trong hồ sơ quy hoạch được duyệt.
Tại Quyết định số 1006/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch sân bay này giai đoạn đến năm 2020 có năng lực tiếp nhận 5,5 triệu hành khách/năm, định hướng đến năm 2030 tiếp nhận đạt 8 triệu hành khách/năm. Tuy nhiên, thực tế khai thác năm 2019, sân bay này đã đón 10 triệu lượt khách thông qua cảng.