800 triệu đồng/m²
Báo cáo của Bộ Xây dựng về thị trường bất động sản (BĐS) quý 2-2021, tại TPHCM có 3.002 giao dịch thành công. Nhìn chung, giá nhà chung cư tiếp tục tăng 5%-7% so với quý trước, đáng chú ý bắt đầu xuất hiện những dự án siêu sang với giá cao không tưởng.
“Bom tấn” thị trường BĐS xuất hiện tại dự án One Central Saigon (quận 1) có mức giá bán dự kiến cao kỷ lục, khoảng 650 - 800 triệu đồng/m², bao gồm phí và VAT. Để mua một căn hộ 60m² khách hàng phải trả 48 tỷ đồng! Mức giá này đã làm cho những dự án khác có giá bán cao trước đó trở nên… lạc hậu. Vậy dự án này có gì đặc biệt?
Dự án One Central Saigon có tên thương mại đầu tiên là Spirit of Saigon, tọa lạc ngay khu tứ giác Phạm Ngũ Lão - Calmette - Lê Thị Hồng Gấm - Phó Đức Chính, đối diện chợ Bến Thành, có diện tích đất 8.537,4m². Theo quy hoạch được duyệt, dự án có nhiều chức năng: văn phòng - thương mại - dịch vụ - căn hộ ở - khách sạn 6 sao, diện tích sàn xây dựng khoảng 180.000m2, chiều cao tối đa 55 tầng. Năm 2013, UBND TPHCM chấp thuận cho Công ty TNHH Tập đoàn Bitexco (Tập đoàn Bitexco) làm chủ đầu tư dự án. Đến tháng 12-2019, UBND TPHCM có quyết định cho phép chuyển nhượng toàn bộ dự án từ Tập đoàn Bitexco (công ty mẹ) sang Công ty TNHH Saigon Glory (công ty con).
Thời điểm này, đại diện Bitexco giải thích: “Việc chuyển nhượng nhằm mục tiêu tập trung triển khai dự án tốt hơn; đảm bảo việc quản lý, thi công, huy động vốn, sử dụng vốn vay, khai thác vận hành kinh doanh độc lập, không bị ảnh hưởng bởi các dự án khác của tập đoàn”.
UBND TPHCM cũng cho phép kéo dài thời gian hoàn thành dự án đến năm 2024. Hiện nay dự án mang tên mới, thêm dòng chữ “Masterise Homes” xuất hiện trên rào chắn của dự án. Tháng 8-2020, Báo SGGP đã phản ánh dự án này xây dựng đến tầng 8 thì đến nay công trình vẫn dừng ở đó.
Căn hộ hàng hiệu có gì?
Bán giá cao chót vót, tự xưng là BĐS hàng hiệu, hiện nay chỉ có mỗi Masterise Homes (đơn vị thành viên của Công ty cổ phần Tập đoàn Masterise). Trang web của công ty này cho thấy, ngoài dự án One Central Saigon còn có dự án chung cư Grand Marina Saigon, tọa lạc trên đường Tôn Đức Thắng, công bố giao dịch thành công với giá 18.000 USD/m² (tương đương 423 triệu đồng/m²).
Thật ra, Masterise chưa có tên tuổi gì nếu so với những doanh nghiệp BĐS lớn tại TPHCM, nhưng để phát triển BĐS hàng hiệu, đơn vị này đã liên kết với Tập đoàn Marriott International.
Ông Trần Quốc Hoài, Phó Tổng giám đốc Masterise, cho biết, đối với các dự án BĐS hàng hiệu Masterise phải đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn khắt khe cả về quy hoạch, thiết kế tòa nhà, thiết kế căn hộ; yêu cầu về vật liệu xây dựng, trang thiết bị nội, ngoại thất, các tiện ích, dịch vụ và cả yêu cầu về quản lý vận hành tòa nhà đạt tiêu chuẩn của Marriott International (Mỹ). Marriott International là một trong các tập đoàn nước ngoài đầu tiên vào Việt Nam đầu thập niên 1990, liên doanh xây dựng khách sạn Sheraton Sài Gòn.
Với dự án One Central Saigon, những thông số được chủ đầu tư diễn giải, nhìn chung không khác gì mấy những dự án căn hộ cao cấp đã và đang xây dựng tại TPHCM. Chắc chắn, sự khác biệt giữa căn hộ hàng hiệu và loại căn hộ còn lại, phải chờ đến khi dự án đi vào vận hành mới có đủ dữ liệu để so sánh. Như vậy, có thể hình dung quy trình để ra đời căn hộ hàng hiệu cho đến thời điểm này như sau: liên kết với một tập đoàn nổi tiếng thế giới, dự án có vị trí đắc địa, bán với giá không tưởng.
Dưới góc nhìn thị trường, Hiệp hội BĐS TPHCM từng đưa ra cảnh báo về căn hộ hàng hiệu. Nhiều vấn đề cần được giải đáp thỏa đáng là khách hàng bỏ tiền mua căn hộ hàng hiệu liệu có nhận được giá trị tương xứng? Việc quản lý vận hành, cung ứng các “dịch vụ hàng hiệu” như thế nào? Thời hạn sử dụng tên thương hiệu của BĐS hàng hiệu ra sao?...
Đánh giá về loại căn hộ hàng hiệu, GS-TS Đặng Hùng Võ cho rằng, đây là xu hướng tất yếu của thị trường. Tại Việt Nam, người có tiền nhiều là một trong những đối tượng mà BĐS hàng hiệu nhắm tới; một đối tượng khác là người nước ngoài. Tuy nhiên, vì đại dịch xuất hiện nên diễn tiến mua bán phân khúc này bị nghẽn lại. Các nhà hoạch định chính sách cần xem lại bài học chưa cũ, đó là nguồn cung căn hộ hạng sang quá nhiều, thị trường hấp thụ ít dẫn đến nguồn vốn bị tắc, đóng băng, khiến cả nền kinh tế lao đao như hồi năm 2008. Đến năm 2013, khi Chính phủ đưa ra hàng loạt giải pháp tháo gỡ, phải mất nhiều năm sau thị trường mới hồi phục. Mặt khác, các cơ quan quản lý nhà nước cần xem xét để sớm có đạo luật về thuế tài sản nhằm kiểm soát đầu cơ thì thị trường nhà giá rẻ mới có cơ hội phục vụ an sinh xã hội tốt hơn.