Nhiều rào cản hình thành y tế thông minh
Các bệnh viện của TPHCM đã triển khai ứng dụng CNTT sớm hơn so với những tỉnh thành khác trên cả nước, từ những năm của thập niên 90, và đã gặt hái được một số thành quả nhất định trong nỗ lực nâng cao chất lượng quản trị bệnh viện cũng như chất lượng phục vụ người bệnh.
Tuy nhiên, vì nhiều lý do, việc đầu tư cho hạ tầng CNTT, nhất là nguồn nhân lực chuyên trách, còn rất khác nhau giữa các đơn vị nên vẫn còn không ít bệnh viện chưa đạt kết quả như mong đợi.
Khó khăn phổ biến đầu tiên phải nhắc đến (mà các bệnh viện gặp phải trong nhiều năm qua khi triển khai ứng dụng CNTT) chính là hạ tầng công nghệ không tương thích với phạm vi và quy mô triển khai các ứng dụng.
Nguyên nhân chính của khó khăn này là do thiếu tính chuyên nghiệp trong tư vấn cho các dự án phát triển hạ tầng CNTT của bệnh viện. Một nguyên nhân khách quan khác cũng phải kể đến là một số bệnh viện còn gặp khó khăn về kinh phí để đầu tư cho hạ tầng CNTT, nhất là hệ thống máy chủ của trung tâm dữ liệu.
Khó khăn thứ hai mang tính quyết định cho sự thành công khi muốn đẩy mạnh ứng dụng CNTT tại các bệnh viện chính là nguồn nhân lực chuyên trách CNTT. Cho đến nay, thực tiễn cho thấy những bệnh viện được xem là có hệ thống thông tin mạnh chính là những bệnh viện có đội ngũ chuyên trách CNTT mạnh, cả về số lượng và kinh nghiệm chuyên môn, có thể kể đến các bệnh viện như Đại học Y Dược TPHCM, Quận Thủ Đức, Nhi đồng 1. Đây là những bệnh viện tự tạo ra các phần mềm ứng dụng cho riêng mình xuất phát từ nhu cầu phát triển của đơn vị.
Tuy nhiên, số bệnh viện như vậy chỉ là số ít và rất khó nhân rộng, do không tuyển dụng được các chuyên gia CNTT có kinh nghiệm. Hầu hết dự án ứng dụng CNTT tại bệnh viện là do các công ty phần mềm thực hiện, nhưng không phải tất cả chuyên gia CNTT của các công ty đều am hiểu những quy trình hoạt động chuyên môn đặc thù của ngành y tế và cũng không ít trường hợp bệnh viện vẫn không hài lòng với sản phẩm, trong đó phải kể đến ứng dụng cốt lõi cho hoạt động của bệnh viện, đó là phần mềm thông tin bệnh viện (HIS).
Khó khăn thứ ba không thể không nhắc đến, nhất là ở giai đoạn của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay, đó là không tương thích được dữ liệu giữa các bệnh viện và giữa các cơ sở y tế với nhau. Điều này ảnh hưởng không nhỏ, nếu không muốn nói là yếu tố quyết định, cho sự thành công khi ngành y tế của cả nước đang tăng tốc triển khai bệnh án điện tử và bắt đầu lộ trình xây dựng hồ sơ sức khỏe điện tử cho từng người dân.
Rõ ràng, khó khăn này nằm ngoài khả năng giải quyết của các bệnh viện. Khó khăn thứ tư, tuy ít được các bệnh viện nhắc đến trong giai đoạn hiện nay nhưng không thể bỏ qua, đó là vấn đề an ninh mạng. Vấn đề này cũng nằm ngoài khả năng của các bệnh viện do chưa có chuyên viên CNTT chuyên sâu về lĩnh vực này.
Y tế thông minh bắt đầu từ quản trị
Giải pháp nào để tháo gỡ những khó khăn trên? Nên chăng, TPHCM cần thêm một trung tâm CNTT chuyên trách trong lĩnh vực y tế, một trung tâm quy tụ các chuyên gia quản lý và chuyên gia CNTT có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực quản trị bệnh viện, một trung tâm làm đầu mối để triển khai các chiến lược phát triển CNTT của ngành y tế, một trung tâm tư vấn chuyên nghiệp cho các bệnh viện triển khai những dự án CNTT. Đó là mong muốn của hầu hết các giám đốc bệnh viện hiện nay.
Một ví dụ là tại New Zealand, trung tâm công nghệ chuyên ngành y tế có tên là “HealthAlliance NZ” đã ra đời, đi vào hoạt động ở khu vực phía Bắc của quốc gia này hơn 19 năm qua. Đây là trung tâm chuyên trách về hoạt động CNTT của 15 bệnh viện và các cơ sở y tế khác trong khu vực. Hội đồng quản trị bao gồm 7 người và 525 nhân viên chuyên trách, chủ yếu chuyên ngành CNTT và quản lý dự án.
Trung tâm này hoạt động theo cơ chế doanh nghiệp tư nhân, đồng thời chịu trách nhiệm trước các hội đồng y tế quận về phát triển CNTT theo định hướng phát triển của Bộ Y tế. Các hội đồng y tế quận sẽ ký hợp đồng và cấp kinh phí cho trung tâm; trung tâm sẽ hoạch định chiến lược phát triển ứng dụng CNTT cho các bệnh viện và các cơ sở y tế với sự chấp thuận của hội đồng y tế quận, triển khai thực hiện và báo cáo kết quả hoạt động.
Ngoài việc triển khai các ứng dụng như bệnh án điện tử, hồ sơ sức khỏe điện tử theo hướng kết nối liên thông giữa các cơ sở y tế, trung tâm “HealthAlliance NZ” còn có 2 hoạt động quan trọng mà trước đây các cơ sở y tế còn gặp khó khăn, đó là dịch vụ chăm sóc khách hàng và an ninh mạng.
Cho đến nay, chưa có sự cố lớn nào xảy ra tại các bệnh viện và các cơ sở y tế trong ứng dụng CNTT. Ngoài ra, ngành y tế tại thành phố Auckland (New Zealand) hướng đến mô hình “Smart treet” của ngành giao thông để xây dựng bệnh viện thông minh.
Hiện nay, thành phố Auckland đã đầu tư mạnh cho ứng dụng kết nối dữ liệu đồng bộ theo thời gian thực các loại hình phương tiện giao thông, phân tích dữ liệu, sử dụng các công cụ như camera thông minh, cảm biến để thông tin cho người dân biết tình hình tắc nghẽn giao thông, chọn lựa phương tiện giao thông phù hợp và tuân thủ luật lệ giao thông.
Bác sĩ TRƯƠNG HOÀNG VIỆT, Giám đốc Bệnh viện Quân dân y miền Đông: Y tế thông minh - hành trình đi tới Bệnh viện đã ứng dụng CNTT vào quản lý khá toàn diện, hầu hết công tác quản lý đều được tin học hóa, đặc biệt là công tác quản lý khám chữa bệnh. Hiện tại, Ban CNTT của bệnh viện đang nghiên cứu và phát triển một số ứng dụng mới đáp ứng nhu cầu thực tế, cũng như định hướng phát triển đạt mức 6 (bệnh viện thông minh) với mục tiêu y tế thông minh - hành trình đi tới, như: phát triển các ứng dụng thông minh trên thiết bị di động, thiết bị rung cầm tay, cảm biến ô nhiễm nhà vệ sinh, hệ thống cửa ra vào thông minh; phát triển phần mềm khám sức khỏe ngoại viện; xây dựng cơ sở dữ liệu (database) trung tâm đảm bảo an toàn dữ liệu các đơn vị; ứng dụng bệnh án điện tử; công nghệ nhận dạng giọng nói... PGS-TS NGUYỄN HOÀNG BẮC, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM: Hưởng lợi từ công nghệ Với việc tích hợp giữa nhân lực chất lượng cao được tuyển chọn ngay từ đầu và sự mạnh dạn đầu tư kinh phí xây dựng, phát triển hệ thống CNTT, trong tương lai, bệnh viện hướng tới là mô hình mẫu trong ứng dụng CNTT vào hoạt động quản trị, khám chữa bệnh, đồng thời chuyển giao kỹ thuật cho các cơ sở y tế tại các tỉnh thành trong cả nước. Tất cả hoạt động của bệnh viện đều được ứng dụng bằng phần mềm CNTT và nhiều dịch vụ tiện ích được triển khai mang lại sự thuận tiện cho người bệnh như: đăng ký và thanh toán chi phí khám bệnh trực tuyến, không cần dùng tiền mặt, tin nhắn trả kết quả cận lâm sàng, thẻ khám bệnh có chức năng thanh toán, hóa đơn điện tử, kiốt đăng ký khám bệnh tự động… |
New Zealand là một nước phát triển, vào đầu thế kỷ XXI, hệ thống y tế quốc gia này (được Tổ chức Y tế thế giới xếp hạng thứ 41, Việt Nam hạng 160) cũng gặp những khó khăn tương tự khi triển khai ứng dụng CNTT, nên đã cho ra đời trung tâm CNTT y tế nhằm hỗ trợ các bệnh viện và các cơ sở y tế phát triển đồng bộ hệ thống thông tin chăm sóc sức khỏe người dân. Tuy điều kiện và cơ chế chính sách có khác nhau, nhưng mô hình “HealthAlliance NZ” hoàn toàn có thể nghiên cứu và vận dụng vào thực tiễn của TPHCM. Một trung tâm CNTT chuyên ngành y tế chắc chắn sẽ góp phần đẩy nhanh lộ trình xây dựng y tế thông minh của ngành y tế thành phố. |