Cần thời gian
Chủ đề tái thiết Ukraine sau xung đột là một trong 5 ưu tiên hàng đầu của Czech, nước đang giữ cương vị Chủ tịch Liên minh châu Âu (EU) đến hết năm 2022. Các cuộc thảo luận về việc xây dựng lại cơ sở hạ tầng và các thể chế của Ukraine, dự kiến tiêu tốn hàng trăm tỷ USD, đang được thúc đẩy trong thời gian qua.
Hội nghị kéo dài 2 ngày ở Lugano không mang tính ràng buộc, cam kết mà là để cố gắng đưa ra các nguyên tắc và ưu tiên cho quá trình tái thiết. Trước thềm hội nghị, Đại sứ Ukraine tại Thụy Sĩ, ông Artem Rybchenko, nhấn mạnh, hội nghị sẽ giúp tạo ra “lộ trình” giúp đất nước ông phục hồi.
Tuy nhiên, rất nhiều câu hỏi được đặt ra về giá trị của hội nghị lần này khi mà cuộc xung đột tại Ukraine chưa thấy lối thoát. Phát biểu trên kênh truyền hình CBS, Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho hay, không ai biết chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine sẽ kéo dài bao lâu. Nhưng theo France24, có một điều chắc chắn rằng cuộc xung đột kéo dài hơn 4 tháng qua tàn phá nặng nề cơ sở hạ tầng ở Ukraine, buộc quốc gia châu Âu sẽ phải tiêu tốn hàng trăm tỷ USD cho công cuộc tái thiết.
Theo tính toán của Trường Kinh tế Kiev (KSE), thiệt hại về cơ sở hạ tầng tại Ukraine ước tính khoảng 104 tỷ USD. Ít nhất 45 triệu m2 nhà ở, 256 doanh nghiệp, 656 cơ sở y tế và 1.177 cơ sở giáo dục đã bị hư hại hoặc phá hủy. Trong khi đó, nền kinh tế Ukraine thiệt hại khoảng 600 tỷ USD.
Simon Pidoux, quan chức Thụy Sĩ phụ trách hội nghị ở Lugano, nhận định, còn quá sớm để ước tính về nhu cầu tái thiết, nhưng có thể nói những nỗ lực để phục hồi Ukraine sẽ kéo dài trong nhiều năm, nếu không muốn nói là nhiều thập niên.
Khủng hoảng nhân đạo
Rất nhiều quốc gia trên thế giới tiếp tục kêu gọi chấm dứt cuộc xung đột ở Ukraine khi mà dân thường đang phải trả giá quá đắt bởi các cuộc giao tranh.
Theo một báo cáo của Văn phòng Cao ủy nhân quyền LHQ, tính từ khi cuộc xung đột nổ ra đến ngày 26-6, hơn 10.000 dân thường đã bị thương vong, ít nhất 16 triệu người đang cần hỗ trợ nhân đạo. Ukraine cũng đang chứng kiến cuộc khủng hoảng di dân lớn nhất thế giới hiện nay với khoảng 12 triệu người buộc phải rời bỏ nhà cửa.
Cố vấn đặc biệt của Tổng Thư ký LHQ Rober Piper cảnh báo, số người Ukraine bị ly tán, mất chỗ ở đã vượt quá con số trong tình trạng tương tự ở Syria, đất nước từ lâu đã rơi vào khủng hoảng trầm trọng vì chiến tranh. Ông Piper bày tỏ quan ngại trước tình hình nêu trên và nhấn mạnh, số người dân Ukraine rơi vào tình trạng mất chỗ ở đã lên tới con số lớn nhất từ trước tới nay và chưa có nước nào rơi vào tình trạng tương tự với tốc độ nhanh đến như vậy.
Tuy nhiên, theo báo cáo của ông Piper, Chính phủ Ukraine muốn tự mình giải quyết tình hình khủng hoảng và không muốn các tổ chức nhân đạo tham gia vào giải quyết vấn đề thay chính phủ bằng các phương pháp hay cách tiếp cận khác với cách chính phủ đang làm.
Ngày 4-7, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova lên tiếng cảnh báo, nếu Ukraine tiếp tục các hành động khiêu khích, nước này sẽ gặp rắc rối. Theo hãng tin Sputnik, đêm 3-7, lực lượng Ukraine đã tấn công có chủ định bằng tên lửa Tochka-U với đầu đạn chùm và máy bay không người lái TU-143 nhằm vào các khu dân cư ở Belgorod và Kursk của Nga. Hệ thống phòng không của Nga đã đón chặn từ trên không, phá hủy toàn bộ tên lửa Tochka-U mang đầu đạn chùm do lực lượng Ukraine phóng. |