Cần hạn chế tình trạng dự án vừa thi công vừa giải phóng mặt bằng

Sở GTVT TPHCM vừa đề xuất trong 5 năm tới, TPHCM sẽ triển khai thực hiện 59 dự án giao thông trọng điểm với kinh phí lên đến 225.000 tỷ đồng. Về việc này, phóng viên Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với ông Phan Công Bằng, Phó Giám đốc Sở GTVT TPHCM.  
Phó Giám đốc Sở GTVT TPHCM Phan Công Bằng
Phó Giám đốc Sở GTVT TPHCM Phan Công Bằng

* PHÓNG VIÊN: Với số lượng dự án và nguồn vốn “khủng” như vậy liệu có khả thi khi mà ngân sách TP hiện rất hạn hẹp? 

 - Ông PHAN CÔNG BẰNG: Để thực hiện các dự án, TP cần có cơ chế, chính sách và kế hoạch huy động các nguồn lực, đồng thời đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thu hút các nhà đầu tư. Trong đó ưu tiên mời gọi, lựa chọn các nhà đầu tư tham gia theo phương thức đối tác công tư (PPP), sử dụng nguồn vốn ODA và các nguồn lực khác.

Trên cơ sở đề xuất của Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông, các đơn vị trực thuộc sở, UBND các quận, huyện và các đơn vị liên quan, sở sẽ tổng hợp, sàng lọc, sắp xếp thứ tự ưu tiên đầu tư các dự án theo lĩnh vực phụ trách, báo cáo UBND TP giao nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư để lập, thẩm định, quyết định chủ trương đầu tư trong thời gian tới.

Đây là 59 dự án được đề xuất để chuẩn bị đầu tư (tổng kinh phí lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi và báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư khoảng 19,55 tỷ đồng), còn triển khai như thế nào còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố.  

* Vậy dự án nào sẽ được ưu tiên triển khai? 

- Những dự án được ưu tiên đầu tư không chỉ về giao thông mà còn phải đảm bảo yếu tố phát triển đô thị và kinh tế. Điều quan trọng là dự án đó phải có được mặt bằng sạch. Chiếu theo tiêu chí này, từ nay đến năm 2025 sẽ tập trung triển khai khép đường Vành đai 2 gồm, đoạn từ cầu Phú Hữu đến xa lộ Hà Nội, đoạn từ xa lộ Hà Nội đến đường Phạm Văn Đồng, đoạn từ quốc lộ 1A đến đường Nguyễn Văn Linh. Dự án xây dựng đường Vành đai 3, TPHCM.

Đầu tư xây dựng đường cao tốc TPHCM - Mộc Bài. Bên cạnh đó, hoàn thiện đoạn tuyến vành đai phía Đông từ cầu Phú Mỹ đến nút giao Mỹ Thủy; đoạn tuyến vành đai phía Đông từ nút giao Mỹ Thủy đến nút giao Nguyễn Duy Trinh - Vành đai 2, TP Thủ Đức; hoàn chỉnh trục đường Bắc - Nam (đoạn từ đường Nguyễn Văn Linh - cầu Bà Chiêm, huyện Nhà Bè); xây dựng đường D7 (từ đường Võ Chí Công đến đường Nguyễn Thị Tư, TP Thủ Đức).

Ngoài ra, triển khai các dự án liên kết vùng như mở rộng đường Nguyễn Văn Bứa (đoạn từ đường Ngã Ba Giồng - cầu TL9) và xây dựng cầu Lớn, huyện Hóc Môn; nâng cấp mở rộng đường Long Hậu (đoạn từ đường Nguyễn Văn Tạo đến ranh tỉnh Long An, huyện Nhà Bè… Nhu cầu vốn Ngân sách TP đầu tư các dự án trên khoảng 72.640,6 tỷ đồng.

* Ngoài các dự án trên, sẽ có thêm dự án nào được thực hiện ngay trong năm tới?

- Nhằm đảm bảo khai thác hiệu quả và để người dân tiếp cận các tuyến metro một cách thuận lợi nhất, thành phố triển khai thực hiện nhanh các dự án kết nối các tuyến xe buýt tới các nhà ga của tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên. Khẩn trương đầu tư xây dựng công trình kết nối đồng bộ tuyến metro số 1 và số 2 Bến Thành - Tham Lương tại khu vực nhà ga Bến Thành; xây dựng và lắp đặt thang máy tại các cầu vượt bộ hành ở các nhà ga trên cao của tuyến metro số 1. Triển khai dự án đầu tư hệ thống điều khiển giao thông linh hoạt tại các trục giao thông chính trên địa bàn TPHCM; trang bị phần mềm, thiết bị phục vụ điều hành, giám sát hoạt động giao thông đường thủy khu vực TPHCM. Đầu tư bổ sung hệ thống camera giám sát giao thông phục vụ công tác kiểm soát giao thông trên địa bàn TP; nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin tại Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị; nâng cấp hệ thống điều khiển phục vụ công tác quản lý điều hành vận tải hành khách công cộng (giai đoạn 1)…

* Làm sao tránh tình trạng thi công dây dưa? Vai trò của sở với các địa phương trong công tác giải phóng mặt bằng như thế nào? 

- Thời gian qua có nhiều công trình thi công bị chậm trễ, kéo dài nhiều năm không chỉ gây lãng phí mà còn gây bức xúc trong dư luận. Hầu hết các công trình chậm trễ đều do vướng mặt bằng thi công. Nhiều dự án thi công hoàn thành 95%, thậm chí 99% khối lượng nhưng chỉ vì vướng một, hai hộ dân không chịu bàn giao mặt bằng mà công trình không thể hoàn tất và đưa vào sử dụng. Rõ ràng, khâu giải phóng mặt bằng có ý nghĩa cực kỳ quan trọng quyết định dự án triển khai có đúng tiến độ hay không. 

Với chức năng của mình, sở GTVT đã đôn đốc, cung cấp ranh mốc để từ đó địa phương có kế hoạch cụ thể, chi tiết lập hồ sơ giải phóng mặt bằng, tái định cư… Hầu hết các địa phương đều nỗ lực thực hiện nhiệm vụ được giao nhưng thủ tục hành chính, pháp lý còn nhiều vấn đề nan giải, cần phải được giải quyết. Chính vì vậy, nhiều địa phương chậm xử lý các vướng mắc khiến nhiều dự án không thể triển khai được. Thời gian tới, cần hạn chế tình trạng dự án vừa thi công vừa giải phóng mặt bằng. Thay vào đó, dự án nào có mặt bằng sạch mới triển khai thực hiện nhằm chấm dứt tình trạng dự án dây dưa, kéo dài như vừa qua.  

* Sở có đề xuất giải pháp tạo vốn nào để thực hiện các dự án giao thông?

Cho đến thời điểm hiện nay, hầu hết các dự án nêu trên vẫn chưa được phân bổ vốn. Qua rà soát tổng thể về nhu cầu vốn, nguồn vốn và khả năng cân đối vốn cho kế hoạch đầu tư công trung hạn, nguồn vốn từ ngân sách TPHCM giai đoạn 2021 - 2025 khoảng 127.683,9 tỷ đồng không đủ khả năng cân đối nhu cầu vốn (khoảng 634.073,262 tỷ đồng) mà chỉ đáp ứng được 20,1% tổng nhu cầu vốn đầu tư. Do đó, nguồn vốn ngân sách sẽ rất khó đảm bảo để cân đối bố trí cho các dự án giao thông trọng điểm, kết nối vùng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ như đường Vành đai 2, 3, 4, các dự án cao tốc TPHCM - Mộc Bài, cao tốc TPHCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành... và các dự án giao thông trọng điểm khác thuộc đề án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đã được Chính phủ phê duyệt. 

Với tư cách là sở chuyên ngành đồng thời căn cứ vào các quy định của pháp luật về khai thác nguồn lực từ đất đai, Sở GTVT TPHCM thấy rằng có một nguồn lực rất lớn từ việc kết nối hạ tầng giao thông đồng bộ với phát triển quỹ đất, kết hợp chỉnh trang và phát triển đô thị dọc hai bên các tuyến giao thông mới. Việc này không dễ vì công tác giải phóng mặt bằng luôn phức tạp, nhưng nếu làm được không chỉ giúp thành phố có tiền làm công trình giao thông mà còn giúp chỉnh trang đô thị, phát triển kinh tế.

Dự án thành phần 1A thuộc đường Vành đai 3 TPHCM sẽ khởi công trong quý 1-2022


Ngày 28-11, thông tin từ Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận (thuộc Bộ GTVT) cho biết, hồ sơ thiết kế dự án thành phần 1A đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch, thuộc dự án đường Vành đai 3 TPHCM đã được phê duyệt. Phía ban đang phối hợp với nhà tài trợ để chuẩn bị cho công tác đấu thầu các gói xây lắp dự án thành phần 1A (giai đoạn 1); các thủ tục đang được đẩy nhanh tiến độ để khởi công dự án trong quý 1-2022. Dự án 1A dài gần 9km, trong đó 6,3km qua tỉnh Đồng Nai và 2,45km đi qua TPHCM, tổng mức đầu tư 5.329,5 tỷ đồng, gồm nguồn vốn vay ODA của Chính phủ Hàn Quốc và vốn đối ứng trong nước.

Đường Vành đai 3 TPHCM dài hơn 91km, đi qua địa bàn các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An và TPHCM.

ĐỨC TRUNG

Tin cùng chuyên mục