Tại hội thảo, nhiều ý kiến cho rằng, tính 2 mặt của mạng xã hội và truyền thông xã hội ngày càng thể hiện rõ rệt. Về mặt tích cực, mạng xã hội ở Việt Nam đã tạo nên một lượng không nhỏ các “nhà báo công dân” chỉ với một chiếc điện thoại thông minh kết nối Internet. Truyền thông xã hội đang dần trở thành một “quyền lực” có thể cạnh tranh với các phương tiện truyền thông như tivi, đài phát thanh, báo in…
Tuy nhiên, theo PGS-TS Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, với thông tin, hình ảnh đăng tải trên mạng xã hội, mặt trái dễ thấy là thiếu tính chính thống, chính xác, trách nhiệm, khó kiểm chứng. Nhiều thông tin mang tính cá nhân, bịa đặt, xuyên tạc, bôi nhọ tổ chức, cá nhân. Không ít thông tin lừa đảo, vi phạm pháp luật, đi ngược lợi ích của cộng đồng, làm phương hại an ninh quốc gia.
“Phải làm gì và làm như thế nào để lợi dụng ưu điểm, thế mạnh; hạn chế mặt trái, tính chất “con dao hai lưỡi” của loại hình kết nối và thông tin này là câu hỏi đặt ra cho cả xã hội, đặc biệt là các cơ quan chỉ đạo, quản lý thông tin, báo chí, văn hóa, an ninh” - PGS-TS Nguyễn Thế Kỷ đặt vấn đề và cho rằng, cùng với việc khai thác, sử dụng tốt mặt tích cực của báo chí điện tử, mạng xã hội và các phương tiện truyền thông khác trên Internet, cần xử lý nghiêm minh, kiên quyết những mạng xã hội, website, blog vi phạm pháp luật, chuẩn mực văn hóa, thuần phong mỹ tục. Bên cạnh đó, cần tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý, nhất là các quy định đối với doanh nghiệp nước ngoài kinh doanh lĩnh vực Internet, viễn thông, báo chí phát thanh, truyền hình tại Việt Nam…