Tại Hội thảo góp ý kiến xây dựng “Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội cho các nhà cung cấp dịch vụ và người sử dụng mạng xã hội, hướng tới xây dựng môi trường mạng lành mạnh, an toàn tại Việt Nam” do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức ngày 11-12 tại Hà Nội, một trong những nội dung có nhiều ý kiến tranh luận là bộ quy tắc đưa ra quy định công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan nhà nước phải công khai sự xuất hiện trên mạng xã hội bằng cách sử dụng họ tên và hình ảnh thật của cá nhân, công khai cơ quan đang công tác… Nội dung này cũng đang được dư luận quan tâm bàn luận mấy ngày qua.
Với nhu cầu kết nối bạn bè, theo dõi thông tin, người sử dụng mạng xã hội đa số chọn Facebook với tỷ lệ lớn so với các mạng xã hội khác. Đáp ứng nhu cầu của người dùng, Facebook cũng liên tục thay đổi chính sách, nâng cao bảo mật, bảo vệ người dùng; đồng thời khuyến khích tính chính danh. Tuy nhiên với Facebook, số lượng nick ảo vẫn không hề nhỏ. Ngoài lượng lớn người dùng chính danh sử dụng mạng để mua sắm, giao tiếp hay cập nhật thông tin về cuộc sống cá nhân thì thường dùng ảnh thật và còn ghi rõ nơi làm việc; số còn lại xài nick ảo để quảng cáo sản phẩm, chạy like hoặc spam...
Việc xây dựng bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội do vậy hết sức cần thiết. Công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan nhà nước phải làm gương khi ứng xử trên mạng xã hội, nhất là khi phát ngôn về các chính sách của Đảng, của Nhà nước. Đồng thời, mỗi cơ quan nhà nước cũng cần có những quy định riêng về cách hành xử của cán bộ công chức, viên chức trên mạng xã hội sao cho đúng chuẩn mực người đang công tác trong các cơ quan nhà nước, các tổ chức trong hệ thống chính trị - xã hội. Bấy lâu nay các ứng xử trên mạng xã hội là việc làm mang tính cá nhân, không đại diện cho cơ quan chủ quản hay được ủy quyền bởi cơ quan chủ quản… nhưng thực tế nếu có các vấn đề phát sinh với cộng đồng, thì chính cơ quan quản lý phải chịu trách nhiệm và có biện pháp xử lý người đó.
Tuy nhiên, nói như vậy để thấy bộ quy tắc đưa ra đề xuất cụ thể “công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan nhà nước phải công khai sự xuất hiện trên mạng xã hội bằng cách sử dụng họ tên và hình ảnh thật của cá nhân, công khai cơ quan đang công tác” lại… không cần thiết. Bởi hoạt động của cán bộ công chức, ngoài việc cá nhân, thì các việc khác liên quan đến dư luận, tiếp xúc người dân (kể cả qua mạng) thì đã bị điều chỉnh bởi Luật Cán bộ, công chức và những quy định riêng tại cơ quan đơn vị hoặc các quy tắc đạo đức, giám sát khác. Còn trái lại, nếu phát ngôn trên mạng nhưng với tính xây dựng, thể hiện chính kiến với những gì pháp luật không cấm thì cũng nên khuyến khích, tôn trọng, không nên ràng buộc.
Bộ quy tắc cũng đề xuất công chức, viên chức phải ứng xử trên mạng xã hội có văn hóa, không sử dụng từ ngữ gây thù hận, kích động bạo lực, phân biệt vùng miền, giới tính; chia sẻ thông tin mang tính khách quan, trung thực, công bằng. Điều này các nhà cung cấp mạng xã hội đã khẳng định có đủ những quy định ràng buộc người dùng nếu có hoạt động “gây thù hận, kích động bạo lực” thì khóa tài khoản người dùng do vi phạm cam kết. Do đó, đưa nội dung này vào bộ quy tắc cũng có phần thừa.
Thiết nghĩ, mục tiêu chính của việc nghiên cứu, xây dựng Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội nhằm phát triển mạng xã hội lành mạnh, an toàn, có ích cho người sử dụng; thúc đẩy tác động tích cực của mạng xã hội đối với cộng đồng, tổ chức và cá nhân. Hạn chế tối đa tác động tiêu cực của mạng xã hội, ngăn ngừa có hiệu quả sự lan truyền và mặt trái của mạng xã hội, trong đó có các thông tin xấu, độc là mục tiêu chính đáng. Nhưng cũng cần thấy rằng, về mặt quản lý mạng xã hội, cần có thêm những quy tắc khuyến khích mọi người tham gia mạng xã hội lành mạnh, có giải pháp sàng lọc nick xấu - ảo với công cụ công nghệ tốt, chứ không chỉ dừng lại ở… bộ quy tắc.